Chúng ta đều biết rằng, tăng huyết áp gồm hai loại: Tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát.
Tăng huyết áp nguyên phát là loại tăng huyết áp không tìm thấy căn nguyên gây bệnh hay còn được gọi là tăng huyết áp vô căn, loại này chiếm từ 90% – 95% tổng số các trường hợp tăng huyết áp nói chung, thường gặp ở người từ 45 tuổi trở lên. Đối với loại tăng huyết áp này bắt buộc phải uống thuốc hàng ngày để giữ cho huyết áp luôn ở mức bình thường.
Tăng huyết áp thứ phát là loại tăng huyết áp có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng như tăng huyết áp do u tủy thượng thận, tăng huyết áp do bệnh lý thận, tăng huyết áp do một số bệnh nội tiết… thường xuất hiện ở người trẻ hơn. Đối với loại tăng huyết áp này, nếu điều trị tốt yếu tố gây bệnh (ví dụ như bệnh hẹp động mạch thận) thì huyết áp có thể về trị số bình thường hay có thể chữa khỏi. Vì vậy, khi bị tăng huyết áp, nhất thiết phải xác định nguyên nhân gây tăng huyết áp để điều trị phù hợp.
Dấu hiệu cảnh báo cần đi khám
Bệnh tăng huyết áp tiến triển từ từ, thầm lặng mà không có biểu hiện gì đặc biệt, thường chỉ được phát hiện khi người bệnh đã bị các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận… hoặc qua khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân đã bị tăng huyết áp như: hay bị đau đầu chóng mặt mà không rõ lý do cụ thể, thay đổi tính nết: dễ xúc động, cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc; có những cơn nóng, đỏ bừng mặt, mắt nhìn mờ, tức ngực, đau ngực, đánh trống ngực, làm việc dễ bị căng thẳng mệt mỏi… Khi đó cần phải đi khám ngay.
BS. Đức Vũ