Theo bác sĩ Lê Việt Sơn, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tỷ lệ tật khúc xạ đang tăng cao, đặc biệt ở trẻ trong lứa tuổi đến trường. Có ba loại tật khúc xạ trẻ hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị phổ biến nhất chiếm tới 2/3 số trường hợp.
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây tật khúc xạ ở trẻ lứa tuổi học đường là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình và giống người. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình sinh hoạt, học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem tivi, sử dụng vi tính không hợp lý…
Trẻ cần được khám mắt định kỳ 6 tháng một lần. Ảnh: Thế Anh. |
Thực tế rất nhiều học sinh do việc học tập quá căng thẳng, tập trung nhìn trong thời gian dài… có thể sẽ dẫn đến cận thị. Bên cạnh đó, ở thành phố do điều kiện nhà ở chật hẹp, trẻ xem tivi quá gần cũng làm cho thị lực suy giảm. Tình trạng sử dụng vi tính, chơi trò điện tử đòi hỏi sự tập trung cao độ làm cho mắt phải điều tiết nhiều giờ liền có thể dẫn đến mỏi mắt, cận thị do “co quắp điều tiết”.
Bàn ghế không thích hợp với lứa tuổi, tư thế ngồi không đúng hoặc khi mệt mỏi, trẻ thường nằm rạp xuống bàn làm bài, ánh sáng trong lớp học không đủ là các yếu tố gây hại mắt. Tầm nhìn không được mở rộng, thường trong vòng 5m, thiếu môi trường để giúp trẻ tập luyện cơ mắt nhìn xa, vì thế khả năng nhìn xa của trẻ ngày càng yếu đi, bác sĩ Sơn cho biết.
Vì thế, để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần đảm bảo trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ mỗi giờ phải nghỉ 10-15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.
Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần của sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm. Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 cm với cấp tiểu học, 30 cm với cấp trung học cơ sở và 35 cm với học sinh trung học phổ thông. Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng.
Bên cạnh đó, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ 8-10 tiếng một ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Trẻ cần được đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều…