Làm con… khuyết tật!

…Nói “huỵch toẹt” ra: đây
là một dạng “gấu bông quý tộc” vô tích sự! Nhóm trẻ “tầm gửi” có sĩ số ngày
càng tăng này bị khuyết tật về kỹ năng sống, tính tự lập gần như bằng 0…

Trẻ khuyết tật là ai? Đó là
những trẻ khiếm khuyết chức năng, không có khả năng làm được những điều mà đại
đa số trẻ cùng độ tuổi có thể làm được, gọi là trẻ thiểu năng cho ngắn gọn.

Nôm na vậy, nếu nhìn từ góc
độ xã hội, chúng ta sẽ giật mình tái mặt vì: trẻ “khuyết tật” ở đâu mà lắm thế!
Dù các quý tử này có cơ thể – trí tuệ – sức khỏe hoàn toàn bình thường, nhưng:
5 tuổi không tự tắm rửa vệ sinh cá nhân, không tự xúc ăn; 7 – 8 tuổi không tự
sắp xếp tập vở quần áo khi đi học; 9 – 10 tuổi không biết quét nhà, lau bàn ghế
phụ mẹ; 12 – 13 tuổi không biết trông em, không tự dọn và dẹp bàn ăn; 15 – 16
tuổi mà khi đói không biết tự mua gói mì nấu ăn, không tự ủi đồ để mặc…

Phụ huynh cần sớm tập cho
con mình những kỹ năng sống, tính tự lập

Trẻ khuyết tật kỹ năng ở đâu
ra? Dùng câu “con hư tại mẹ” để trả lời thắc mắc trên là cực kỳ chính xác: các
bé thiếu tính tự lập hoàn toàn do cách giáo dục ở gia đình. Nhiều phụ huynh
ngày xưa từng quá khổ, nên ngày nay, dù cuộc sống trở nên rất dễ thở, họ vẫn
còn bị ám ảnh nặng nề. Từ đó phát sinh tâm lý cực đoan “quyết không để cho con
bị khổ như mình ngày xưa nữa”, họ nguyện làm “lá chắn che chở suốt đời con”!
“Che chở suốt đời con” của họ có nghĩa là con không bao giờ phải động tay vào
bất cứ việc gì, thậm chí cả những việc rất cơ bản để tự phục vụ bản thân! Đây
là “di chứng” tâm lý của một thời thiếu thốn. Bên cạnh đó, một số khác lại lo
sợ con tự lập rồi, nó sẽ “bỏ tôi đứng bên đời kia”, sợ mất đi vị trí VIP trong
cuộc đời của con!

VIP, trong tiếng Anh, là chữ
đầu của ba từ: Very Important Person, nghĩa là người rất quan trọng. Nhưng vẫn
chữ VIP ấy, cũng còn có thể là chữ đầu của ba từ: Very Irressposible Person,
nghĩa là người rất vô trách nhiệm!

Nhiệm vụ mà tạo hóa giao cho
cha mẹ muôn loài là trao truyền kỹ năng tồn tại cho thế hệ kế tiếp, để khi thế
hệ trước mất đi, thế hệ sau có thể tự tồn tại tốt. Khi cha mẹ không làm tròn –
hoặc không chịu làm – nhiệm vụ này, thì họ có thể vẫn là VIP như mong muốn,
nhưng với nghĩa trái: người rất vô trách nhiệm! Cha mẹ không dạy việc mà toàn
“hầu” con thì con sẽ thành… “lính kiểng”, sẽ mất “khả năng tác chiến trên mọi
địa hình”, sẽ thành phế phẩm của xã hội sau này. Đối với cuộc đời con trẻ, nếu
không nhận được kỹ năng sống cần thiết từ cha mẹ, con đã vuột mất phương tiện
quý giá để tìm được sự bình an đúng nghĩa. Cuộc sống vốn luôn thay đổi và biến
động, ai có kỹ năng sống càng phong phú thì sự thích nghi với những biến đổi
càng lớn. Do đó, cung cấp kỹ năng để con tự lập chính là trao cho con thứ vũ
khí lợi hại giúp con có nhiều cơ may được an lành, hạnh phúc và có cuộc sống
nội tâm bình yên.

Không ít ông bố bà mẹ, một
ngày… xấu trời, đã sốc nặng khi nghe chính đứa con – mà mình nâng niu như
vàng như ngọc – hét vào mặt: “Con ra nông nỗi này là tại ba má, sao hồi đó ba
má không chịu dạy con?”. Lại cũng chẳng hiếm những đứa con – dù nhà rất khá giả
– vẫn “bị mẹ bắt làm đủ thứ”, vứt sọt rác mọi lời dẻ bỉu “đày con”! Gặp phải
lúc không may, con lập tức biết “làm đủ thứ” để tự mình thoát hiểm và đứng
vững. Tan cơn sóng gió, con chạy ào về bên mẹ chỉ để nói mỗi câu “mẹ ơi, con
cám ơn mẹ đã bắt con làm đủ thứ, con thần tượng mẹ rồi nha”. Có tấm huân chương
nào sánh được với câu nói đó của con không nhỉ?

Khoảnh khắc bạn được ôm vào
lòng mình một thiên thần nhỏ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ, đó là điều
kỳ diệu. Vậy thì, xin đừng ai vô tình biến điều kỳ diệu trở thành nỗi đau.

Xin đừng ai, chỉ vì hiểu lầm
hai chữ “yêu con”, mà làm con khuyết tật!                   

LÊ THỊ PHƯƠNG NGA

(Chuyên gia nghiên cứu trẻ
em)

Rate this post