Trần Lực, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, hiện là đạo diễn điện ảnh và người cha hạnh phúc của 4 người con chia sẻ: “Làm bố là một trong những điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống. Nhưng trở thành một người cha tốt không phải là cái gì đó bạn học được qua một đêm, và phải mất rất nhiều công sức, thời gian và sự kiên nhẫn và trên hết là tình yêu thương. Tôi đã luôn luôn mong muốn có nhiều con. Chăm sóc con, chơi với con, chụp ảnh lại những khoảnh khắc đẹp nhất hoặc buồn nhất với con mình hoặc chỉ đơn giản là ở cùng với con. Điều đó có ý nghĩa rất nhiều đối với tôi. Tôi không ngừng phấn đấu để trở thành một người cha tốt và người chồng tốt hơn bằng cách chia sẻ trách nhiệm chung với bà xã trong nuôi dạy con cái.”
Những khoảnh khắc đẹp của Trần Lực bên các con
Đúng vậy, trở thành người cha có lẽ là điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống của mỗi đấng mày râu. Đây là lúc để người đàn ông bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp nhất trong con người mình. Bởi khi trở thành người cha là lúc người đàn ông thể hiện rõ bản lĩnh của mình trong việc cân bằng giữa công việc, gánh trọng trách kiếm tiền nuôi gia đình và việc quan tâm chăm sóc cho vợ con. Đây là lúc mà tình thương yêu thiêng liêng của người cha đối với các con được bộc lộ rõ nét nhất, cùng với tình yêu san sẻ với người vợ trong chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái.
Và việc trở thành người cha cũng thay đổi hẳn khái niệm của xã hội về thế nào là một người đàn ông “nam tính”. Người đàn ông nam tính có lẽ không còn là hình ảnh lãng tử mà sự “nam tính” của người đàn ông thể hiện ở các hành động tràn đầy tình yêu thương và sự quan tâm như thay tã cho con, cho con ăn bột, cưng nựng con. Hình ảnh này tạo dựng niềm tin và như là biểu tượng về độ đáng tin cậy và một bờ vai có thể để người vợ và các con thân yêu dựa vào. Hình ảnh “nam tính” này thể hiện rõ nhất ở David Beckham, một cầu thủ điển trai nhất thế giới và là một trong những “người cha đáng yêu” nhất thế giới. Cũng là người cha của 4 người con: 3 trai và 1 gái, David Beckham đã khiến trái tim của nhiều thiếu nữ rung động bởi hình ảnh bế cô con gái nhỏ Harper, chăm sóc âu yếm con. David Beckham thường xuyên nấu ăn, làm việc nhà và chăm sóc con cái mà không hề mất đi hình ảnh “nam tính” của mình. Trái lại, điều đó còn khiến Beckham “đốn tim” nhiều fan hâm mộ hơn. Đối với những người cha như David Beckham chẳng hạn, con cái có lẽ là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời của họ, vượt xa cả tiếng tăm hay sự phù hoa mà họ có được.
Chùm ảnh: Giây phút làm cha hạnh phúc của David Beckham
Có lẽ vì hiểu rõ cảm giác thiêng liêng khi một sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời vào thế giới này, mà nhiều nước phát triển nhất thế giới chẳng hạn như Nhật Bản hay Thụy Điển đã cho phép nam giới cũng được “nghỉ thai sản” để cảm nhận những vất vả “9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau” của người mẹ và những cực nhọc cũng như niềm hạnh phúc vô bờ khi được tự tay cho con ăn, đưa con đi tiêm phòng, chơi với con, hát ru cho con ngủ, thay tã cho con. Thời gian mà phụ nữ thường phải đối mặt với nỗi lo trầm cảm sau sinh này thì sự có mặt của người chồng có lẽ sẽ là liệu pháp tâm lý tốt nhất giúp vun đắp hạnh phúc gia đình và giúp người đàn ông trở thành những con người tốt bụng, tận tâm và ngập tràn tình yêu thương.
Có lẽ Thụy Điển là quốc gia “hào phóng” nhất thế giới cho phép nghỉ sinh con cho cả người cha và người mẹ. Các bậc cha mẹ Thụy Điển được hưởng 480 ngày nghỉ phép sinh con mà vẫn được 80% tiền lương trong khoảng thời gian này. Nhiều ông bố Thụy Điển trong vai trò làm cha đã tận dụng tối đa kỳ nghỉ phép ưu đãi dành cho họ khi sinh con và nghỉ chăm sóc con trong thời gian ít nhất 6 tháng. Ông Mikael Sandstrom, một người Thụy Điển và người cha của hai con nhỏ, đang sinh sống ở Việt Nam tâm sự: “Đối với tôi, qua kỳ nghỉ phép sinh con này, vợ chồng thêm hiểu nhau và trân trọng nhau hơn. Khi bạn và vợ cùng chia sẻ trải nghiệm nuôi con này, bạn sẽ tận hưởng những điều tuyệt diệu nhất của người làm cha, làm mẹ. Nó cũng giúp cho cuộc sống gia đình trở nên dễ dàng hơn trước những khó khăn thường thấy khi phải làm việc nhà.”
Chùm ảnh: Những ông bố Thụy Điển tuyệt vời
Nhưng có lẽ không chỉ ở Thụy Điển, mà các ông bố Việt Nam cũng cừ khôi không kém. Thời gian vừa qua, hình ảnh những ông bố đơn thân chăm sóc con đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” cảm phục về tình phụ tử mà người cha dành cho con. Hay việc những ông bố thay tã, giặt tã cho con hay ru con ngủ cũng là điều hết sức bình dị trong cuộc sống của người Việt Nam vốn coi trọng truyền thống gia đình. Cũng không ít các ông bố Việt Nam sau một ngày làm việc dài vất vả vẫn thức cả đêm dỗ con, si bé tè hay ị để cho vợ ngủ để có sữa cho con bú. Hẳn chỉ có tình yêu dành cho người vợ, tình cảm vô bờ dành cho người con mới giúp người làm cha có thể “hy sinh” và làm nhiều việc tuyệt vời đến như vậy.
Không chỉ là “hy sinh”, việc làm cha còn mang lại hạnh phúc và đôi khi là cứu cánh cuộc đời đối với nhiều nam giới. Việc chăm sóc con có thể giúp họ quên đi những giây phút buồn trong cuộc sống, quên đi sự vất vả mưu sinh. Mỗi khi nhìn thấy nụ cười hồn nhiên, đáng yêu của con trẻ, được bé thơm lên má, chơi cùng hay chia sẻ những khám phá thế giới của bé, hẳn bất kể ông bố nào cũng cảm thấy mọi tâm tư phiền muộn đều tan biến. Khi con lớn lên, chia sẻ những suy nghĩ và nhân sinh quan với người bố, hẳn mỗi người bố đều cảm thấy tự hào.
Vậy các ông bố Việt Nam, còn chần chừ gì nữa không chia sẻ những khoảnh khắc “làm cha” thật tuyệt vời qua cuộc thi ảnh: “Những ông bố Việt Nam” do Đại sứ quán Thụy Điển và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức. Bức ảnh được chụp dưới góc độ nghệ thuật nhất về ông bố Việt Nam cùng với con mình trong đời sống thường ngày sẽ dành chiến thắng. Một số gợi ý về góc ảnh có thể kể tới như: bố chăm sóc con, bố tắm cho con, bố nấu ăn cho con, bố cho con ăn, bố đưa con đi chơi, bố cho con đi ngủ, bố đọc sách cho con nghe, bố nghe nhạc cùng con, bố tập thể dục cùng con, bố vào toilet cùng con. Thời gian nộp tác phẩm từ 3/3/2016 – 15/5/2016. Mỗi tác giả có thể nộp tác phẩm qua email: [email protected] với tiêu đề “Cuộc thi ảnh Ông bố Việt Nam” hoặc bằng đĩa CD/DVD dán trong phong bì đề tên cuộc thi gửi tới Đại sứ quán Thụy Điển, số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội. Mỗi tác giả được gửi tối đa 15 tác phẩm. Các tác giả cần hoàn thiện phiếu dự thi với mô tả chi tiết tác phẩm. Các tác phẩm dự thi không có phiếu dự thi kèm theo được coi là không hợp lệ. Tải về phiếu tham gia trên trang web của ĐSQ Thụy Điển http://www.swedenabroad.com/hanoi hoặc trang facebook www.facebook.com/#!/EmbassyOfSwedenInHanoi .
Nguyễn Vân