Lá mơ lông còn có các tên khác như: ngưu bì đống, mơ tròn, dây mơ lông, mơ tam thể, mẫu cầu đằng, ngũ hương đằng, thanh phong đằng, mao hồ lô, người Tày gọi là khau tất ma, người Thái gọi là co tốt ma,…. Là một loại cây leo mọc hoang hoặc được trồng làm hàng rào nhiều nơi ở nước ta để làm rau gia vị.
Thân dây leo, lá to, phiến xanh mọc đối, mặt dưới ửng tím đỏ, có lông mịn, gân phụ, gân lá rõ ở mặt trên, lá kèm rộng, thường xẻ đôi hình tam giác. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn, phân nhánh nhiều và tỏa rộng, hoa màu trắng điểm tím nhạt, không cuống, có miệng tím, đài hình chuông, có lông, nhị 5. Quả hình cầu, dẹt, nhẵn, mầu nâu bóng, có đài màu vàng. Toàn cây có lông mềm, nhất là thân, cành và lá non. Lá vò nát có mùi khó ngửi. Mùa hoa, quả: từ tháng 8 đến tháng 10. Lá mơ thường được dùng như một loại rau sống ăn kèm với một số món thịt, nem thính, cá rán…
Ngoài công dụng như một loại gia vị, mơ lông còn có tác dụng chữa bệnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là lá mơ thường dùng tươi. Dược liệu có đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, giải nhiệt, mạnh tỳ vị, tiêu thực, sát khuẩn, chữa phong tê thấp, tẩy giun, giải độc… nhưng thông dụng nhất vẫn là chữa các bệnh về đường tiêu hóa.
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm
Bài 1: Chữa tiêu chảy do nhiệt: Với biểu hiện bụng quặn đau, đầy hơi, đại tiện mùi phân khẳm, nước tiểu vàng: Lá mơ 16g, nụ sim 8g, rửa sạch các vị thuốc cho vào ấm đổ với 500 ml, sắc còn 200 ml. Uống trong ngày mỗi lần 100 ml, dùng liền 5 ngày.
Bài 2: Chữa chứng bí tiểu tiện do nóng, có thể áp dụng cho cả trường hợp bệnh sỏi thận dẫn đến bí tiểu tiện: Lấy 1 nắm lá mơ lông, rửa sạch sắc uống ngày 2 – 3 lần rất hiệu nghiệm.
Bài 3: Chữa ăn khó tiêu, sôi bụng do thức ăn sống lạnh: Lấy một nắm lá mơ tươi, rửa sạch giã nát lấy nước uống hoặc có thể ăn cùng với thức ăn. Ăn liền 2 – 3 ngày.
Bài 4: Chữa kiết lỵ: Kinh nghiệm là thường dùng lá mơ tươi trộn đều với trứng gà sống. Sau đó, bọc hỗn hợp này bằng lá chuối, đem nướng chín hoặc dùng chảo (không dầu) đun vàng hai mặt. Lấy ra ăn ngày 3 lần, liên tục vài ngày. Ngoài ra có thể sử dụng một trong các bài thuốc sau:
– Lấy một nắm lá mơ, một nắm lá phèn đen rửa sạch, nhúng qua nước sôi, vảy khô, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, ngày 2 – 3 lần.
– Lá mơ lông, lá trâu cổ, mỗi vị 20g, lá lốt, nụ sim mỗi vị 10g.Tất cả cho vào ấm đổ 700ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
– Lá mơ lông 30g, thổ phục linh, bạch thược mỗi vị 5g, hạt cau khô, vỏ măng cụt mỗi vị 10 g, cỏ sữa 25g, rau sam 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Tất cả cho vào ấm đổ 750ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Nguyễn Thúy Anh