Kỹ thuật mới giúp chị em mãn kinh sớm vẫn có con

Các bác sĩ Mỹ và Nhật Bản đã phát triển kỹ thuật lấy tử cung ra khỏi cơ thể, sau đó kích hoạt nó trong phòng thí nghiệm và tái cấy ghép các mảnh mô tử cung trở lại cơ thể.

Kết quả của kỹ thuật này là một em bé vừa chào đời, một trường hợp khác đang mang thai. Công trình này tuy được đánh giá là còn sớm, song là một “sự thay đổi tiềm năng”.

chaube-1945-1380603884.jpg

Tiến sĩ Kazuhiro Kawamura từ Trường Y,  Đại học St Marianna, bế em bé mới sinh từ kỹ thuật mới đánh thức buồng trứng đã “ngủ”. Ảnh: BBC.

27 phụ nữ trong nghiên cứu đã bị vô sinh khoảng năm 30 tuổi do tình trạng “thiếu trứng nguyên thủy”. Tình trạng này ảnh hưởng đến tỷ lệ 1/100 nữ giới, về cơ bản là hiện tượng hết trứng quá sớm, dẫn tới mãn kinh sớm.

Thông thường, phụ nữ khi mới sinh đã mang trong người một số lượng trứng nhất định. Những người bị tình trạng trên có xu hướng sử dụng trứng quá nhanh hoặc bản thân lúc mới sinh đã có quá ít trứng.

Trong tử cung, trứng chưa phát triển hoàn chỉnh, mà tồn tại ở dạng nang và mỗi tháng sẽ có một (hoặc vài) trứng trưởng thành.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford, Mỹ và Trường Y, Đại học St Marianna của Nhật Bản cố gắng kích hoạt những nang trứng ít ỏi còn lại của người phụ nữ mang bệnh. Họ lấy tử cung ra khỏi người phụ nữ, và sử dụng kết hợp 2 kỹ thuật để “đánh thức” các nang trứng đang ngủ. Đầu tiên, họ cắt buồng trứng thành các mảnh nhỏ. Sau đó, sử dụng một hóa chất để xóa bỏ cơ chế phanh đang khiến trứng không lớn được.

Các mảnh buồng trứng này sau đó được đặt lại vào đỉnh vòi trứng, và người phụ nữ sẽ được trị liệu bằng hoóc môn. Sau quá trình điều trị, các nang trứng còn lại bắt đầu phát triển trên 8 phụ nữ tham gia thí nghiệm. Các trứng được lấy ra để thụ tinh ống nghiệm như bình thường, và đến nay, một cặp vợ chồng đã có con, và một phụ nữ khác đang mang thai.

“Kỹ thuật này cần được cải thiện để tăng tối đa hiệu quả, nhưng chúng tôi dự đoán nó thể giúp cho 25 tới 30% các chị em mắc bệnh này”, giáo sư Aaron Hsueh, từ Stanford, cho biết trên BBC.

“Chúng tôi cho rằng nó sẽ có ích đối với hai dạng vô sinh. Những bệnh nhân ung thư sống sót sau trị liệu bằng hóa chất hoặc xạ trị, nếu còn sót lại bất cứ nang trứng nào đều có cơ hội được giúp đỡ. Ngoài ra là những phụ nữ tuổi 40-45 có chu kỳ kinh nguyệt bất thường”, giáo sư nói.

Tuy nhiên, việc ứng dụng kỹ thuật này cho phụ nữ mãn kinh sớm vẫn chưa rõ ràng, vì cần có các kiểm tra và thẩm định sâu hơn nữa, trước khi ứng dụng vào lâm sàng.

Thuận An

Rate this post