Kỳ hương hay còn gọi là kỳ nam, trầm hương hay gió bầu, tên khoa học là Aquilaria agallocha Roxb. (A. crassna Pierre). Thuộc họ trầm Thymelacaceae. Trầm hương (Lignum Aquilariae) là gỗ có nhiều điểm nhựa của cây trầm hương. Vì vị thuốc có mùi thơm, thả xuống nước chìm xuống, do đó có tên gọi như vậy (trầm là chìm). Tên kỳ nam (còn có tên kỳ nam hương) thường dành cho loại trầm quý nhất. Giá đắt gấp 10-20 lần trầm hương.
Kỳ hương được phân ra làm những loại như hắc kỳ (có màu đen, là loại đắt tiền nhất); thanh kỳ (màu xanh xanh, còn gọi là hoàng kỳ) và bạch kỳ (màu trắng đục). Trầm loại tốt có sắc đen, bóng, nặng trịch như khối sắt. Kỳ cũng nặng vậy, nhưng thường có tinh dầu rịn ra bên ngoài ươn ướt.
Đông y phân loại trầm tốt xấu bằng cách khi cho vào nước, trầm chìm xuống tận đáy là trầm tốt nhất; bỏ vào nước mà lơ lửng, không chìm, không nổi là trầm loại 2; còn trầm loại 3 là loại nổi trên mặt nước. Đông y thường dùng trầm loại 2 làm thuốc (vì loại 1 có giá rất cao).
Cây gió bầu cho vị thuốc kỳ hương. |
Trong Đông y, người ta thường dùng trầm để làm thuốc hơn là kỳ, bởi kỳ quá hiếm và đắt tiền. Trầm có vị đắng, khí giáng xuống (chìm xuống). Còn kỳ thì có vị ngọt, khí bốc lên. Trầm giúp bổ nguyên dương, bổ thận khí, trợ sức cho công năng của tỳ thận. Ngoài ra, nó còn có tác dụng trợ tim, mạnh tim, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn; tác dụng rất hay trong trường hợp hen suyễn thở dốc. Kỳ nam chữa tiểu không cầm được, giúp giao hợp được lâu, rất hay trong điều trị các bệnh tiêu hóa như chứng đau do hơi dồn tức trong bụng, đau bụng tiêu chảy thể tả. Thường không cho chung kỳ nam với các vị thuốc khác, cũng như không qua đun nấu mà dùng bằng cách mài ra rồi uống.
Tuy nhiên với người có chứng âm hư hỏa vượng (đang sốt, khô gầy) tuyệt đối không được dùng trầm. Trong các sách Đông y còn nói cả đến tác hại của trầm, kỳ, theo đó những phụ nữ mang thai mà uống tinh dầu trầm, kỳ sẽ bị trụy thai và những người suy nhược cơ thể, suy gan, hỏa thịnh mà dùng trầm, kỳ sẽ hại cho cơ thể…
Để bạn đọc có thể thao khảo và áp dụng, dưới đây xin gợi ý vài phương thuốc trị bệnh trong đó có kỳ hương.
Trị chứng xúc động mạnh gây khó thở: Dùng bột trầm hương và nhân sâm (mỗi thứ 2 chỉ), đem hãm với một chén nước sôi khoảng 10 phút, lấy nước để uống. Phương thuốc này rất hiệu nghiệm trong trường hợp bị xúc động mạnh, khí nghịch lên trên gây khó thở.
Trị chứng nấc, nôn ói: Bột trầm hương, nhục đậu khấu, hạt tía tô (mỗi thứ 2 chỉ). Cách chế biến cũng đem hãm như trên rồi lấy nước uống, có tác dụng trị chứng nấc, nôn ói do bị lạnh, khí nghịch.
Hỗ trợ sinh lý nam: Bột trầm hương, nhân sâm, quế nhục, ngũ vị tử và chích thảo (cam thảo đã sao) mỗi vị 4g, đem hãm với nước sôi để uống. Phương này dùng cho những trường hợp nam giới bị lạnh ở bụng dưới; tay, chân thường xuyên lạnh; khả năng sinh dục bị suy yếu.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI