Khó hay dễ?

Hiện nay, do sự thay đổi khẩu phần của chế độ ăn, thiếu kiến thức thực hành nuôi dưỡng trẻ… đã dẫn đến tình trạng gia tăng nhanh tỷ lệ trẻ bị béo phì tại các khu đô thị lớn. Tại khu vực trung tâm TP. HCM, số trẻ bị béo phì đã cao hơn ngưỡng trung bình của các nước phát triển, đây là thực trạng đáng báo động…

TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Hiện nay, tỉ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc ở trẻ dưới 5 tuổi là 4% (khoảng trên 302.547 trẻ). Tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tỉ lệ này tương đương 6%, với tổng số khoảng 86.000 trẻ. Đặc biệt, thừa cân béo phì ở một số thành phố đã cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển. “Như tại Đà Nẵng, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi béo phì đã lên tới 9,9%, khu vực địa bàn TP.HCM là 9,6% (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%). Đặc biệt, tại khu vực trung tâm TP.HCM, tỉ lệ trẻ béo phì đã ở ngưỡng 12,2%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình các nước phát triển.

Khó hay dễ? 1

 Trẻ béo phì gia tăng nhanh ở các đô thị lớn (Nguồn: Viện NCYXHH).

Cũng theo TS. Sơn, tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ béo phì có nơi đã đến ngưỡng 12%, đây là con số đáng báo động và đã đến lúc chúng ta cần xem lại các số liệu, chọn lựa mục tiêu phù hợp với mục tiêu. Bởi chỉ có thể giải quyết thừa cân béo phì tốt nếu giải quyết về thấp còi của trẻ em. Do sau này, trẻ em thấp còi khi cân nặng trở về bình thường mà chiều cao khi đó đang ở mức thấp còi rất dễ trở nên béo phì. Vì thế, bên cạnh duy trì các giải pháp vẫn đang làm, cần tập trung bổ sung vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, giảm suy dinh dưỡng bào thai, tăng chiều dài của trẻ em sơ sinh…

Nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ trẻ béo phì có xu hướng gia tăng tại các khu đô thị là do sự phát triển kinh tế, áp lực công việc, môi trường, lối sống… đã dẫn đến sự thay khẩu phần ăn của người Việt Nam. Theo PGS.TS. Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Từ trước đến nay về cơ bản tổng nhu cầu năng lượng của người Việt Nam là không có nhiều thay đổi nhưng cơ cấu khẩu phần của chế độ ăn lại có thay đổi rõ rệt về lượng và chất, có xu hướng giảm chất bột tăng chất đạm và đặc biệt là chất béo, chất đường, đặc biệt trẻ em ở đô thị. Với nhóm trẻ em này, khẩu phần ăn có hàm lượng chất béo đã lên tới xấp xỉ 30% năng lượng trong khẩu phần. Tăng chất béo, nhưng các vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, D, sắt… thì ngay cả trong khẩu phần ăn của trẻ em thành phố cũng chưa đáp ứng được.

Về mặt kiến thức thực hành dinh dưỡng cho trẻ tại mỗi gia đình cũng là một vấn đề lớn rất đáng quan tâm. Điều tra mới nhất của Viện Nghiên cứu y – xã hội học năm 2013 tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, gần 30% bà mẹ có con bị thừa cân vẫn không biết trẻ đã thừa cân; 15% số bà mẹ có con thừa cân vẫn mong muốn con mình tiếp tục tăng cân với suy nghĩ “cân nặng dự trữ”, béo khỏe để có lực cho phát triển và dự phòng những lúc trẻ ốm. ThS. Đức Minh, Viện Nghiên cứu y – xã hội học cho biết: Hiện nay, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của thực phẩm chế biến sẵn, vừa tiện lợi lại được quảng cáo thuyết phục khiến nhiều bà mẹ cho con ăn quá mức trong khi về kiến thức nuôi dưỡng trẻ của các bà mẹ còn nhiều lỗ hổng lớn. Khi lựa chọn mua thực phẩm cho trẻ, với các bà mẹ, chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu nhưng tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và quan tâm đọc thành phần dinh dưỡng trên nhãn mác còn rất thấp (0,5-3%). Hầu hết (90%) bà mẹ quyết định mua sản phẩm dựa trên các thông tin quảng cáo…!

Làm sao để hạ thấp tỷ lệ trẻ béo phì tại các đô thị đang là vấn đề quan tâm của các nhà hoạch định chiến lược dinh dưỡng. Theo TS. Sơn: Về lâu dài chúng ta phải có những giải pháp can thiệp cụ thể. Theo đó, về can thiệp cơ bản cần chú trọng giáo dục truyền thông cho phụ nữ mang thai, phổ biến kiến thức chăm sóc trẻ, bổ sung vitamin A, theo dõi tăng trưởng…; Về các can thiệp tăng cường cần quan tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống thiếu máu cho phụ nữ mang thai, phục hồi dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ thấp còi…

Rate this post