Các yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương
Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu canxi hoặc tỉ lệ canxi/phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D… Vì vậy, khối lượng khoáng chất đỉnh của xương ở tuổi trưởng thành thấp, đây được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh loãng xương.
Tiền sử gia đình có cha, mẹ bị loãng xương hoặc gãy xương.
Ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời, bất động quá lâu ngày do bệnh tật hoặc do nghề nghiệp.
Có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá… làm tăng thải canxi qua đường thận và giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa.
Bị mắc một số bệnh: thiểu năng các tuyến sinh dục nam và nữ (suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn…); bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận bệnh mãn tính đường tiêu hóa làm hạn chế hấp thu canxi, vitamin D, protein… ảnh hưởng chuyển hóa canxi và sự tạo xương; bệnh suy thận mãn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất canxi qua đường tiết niệu; các bệnh xương khớp mạn tính đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
Cần sử dụng dài hạn một số thuốc: chống động kinh (Dihydan), thuốc chữa đái tháo đường (insulin), thuốc chống đông (heparin) và đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid (corticosteroid một mặt ức chế trực tiếp quá trình tạo xương, mặt khác làm giảm hấp thu canxi ở ruột, tăng bài xuất canxi ở thận và làm tăng quá trình hủy xương).
Khi nào cần đo mật độ xương?
Đo mật độ xương là gì?
Đo mật độ xương là tiêu chuẩn vàng để xác định xem bạn có bị loãng xương hay không. Loãng xương là một bệnh với đặc điểm khối lượng xương suy giảm, vi cấu trúc của xương bị hư hỏng, dẫn đến tình trạng xương bị yếu và hệ quả là tăng nguy cơ gãy xương.
Xác định mức độ giảm mật độ xương; xác định nguy cơ bị gãy xương; theo dõi điều trị loãng xương.
Những trường hợp nào cần đo mật độ xương?
Quỹ Loãng xương Quốc gia của Mỹ (National Osteoporosis Fuondation) khuyến cáo cần xét nghiệm mật độ xương cho những đối tượng sau đây:
Tất cả những phụ nữ mãn kinh, dưới 65 tuổi, và có một trong những yếu tố nguy cơ:
– Tiền sử gãy xương ở sau 30 tuổi.
– Có người thân (cha mẹ ruột, anh chị em ruột) từng bị gãy xương.
– Hút thuốc lá.
– Cân nặng thấp (<56 kg)…
Tất cả phụ nữ 65 tuổi trờ lên, bất kể có hay không có một yếu tố nguy cơ nào.
Phụ nữ sau mãn kinh với tiền sử gãy xương.
Phụ nữ đã từng được điều trị bằng liệu pháp thay thế hoóc-môn trong một thời gian dài (trên 10 năm).
Đàn ông 70 tuổi trở lên.
Đàn ông từ 50 – 69 tuổi, có các yếu tố nguy cơ:
– Giảm năng tuyến sinh dục nam (Hypogonadism).
– Tăng glucocorticoid.
– Nghiện thuốc lá và rượu.
– Suy thận…
Kết quả đo thế nào là loãng xương?
Thông thường, mật độ xương tại cổ xương đùi được sử dụng để chẩn đoán loãng xương, mật độ xương tại xương cột sống và các vùng khác chỉ để tham khảo (xem bảng của Tổ chức Y tế Thế giới ở dưới).
ThS.BS. Phan Thị Mỹ Sương
(Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM)