Họ có thể hoảng loạn về mặt tâm lý, cũng có thể phản ứng bằng cách không tin là mình bị bệnh và phải chữa trị tích cực.
ĐTĐ được xem là một trong những “đại dịch” của nhân loại trong thế kỷ 21 và trở thành gánh nặng về kinh tế xã hội với nhiều quốc gia trên thế giới vì tính chất phổ biến của nó. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa nhận thức đúng đắn và có những quan niệm sai lầm về bệnh khiến việc điều trị càng gặp nhiều khó khăn, chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút đáng kể.
Những ca bệnh điển hình
Cô Lê Thị Ng. 50 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TP.HCM, khi đi kiểm tra đường huyết định kỳ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV. ĐHYD), chia sẻ câu chuyện của chính mình: “Cách đây 5 năm, khi đến khám tại BV. ĐHYD và được bác sĩ chẩn đoán ĐTĐ týp 2, tôi rất lo sợ và mong muốn một liệu trình điều trị giúp khỏi hẳn ĐTĐ. Sau khi được hàng xóm giới thiệu một bài thuốc với lời cam đoan sẽ giúp chữa hết bệnh, tôi tin tưởng mua về dùng. Sau 6 tháng tự ý dùng thuốc gia truyền, tôi cảm thấy ngày càng mệt mỏi, sụt cân và khát nước nhiều hơn. Khi gia đình đưa tôi quay lại BV. ĐHYD khám thì chỉ số đường huyết đã tăng quá cao và được chỉ định nhập viện để ổn định đường huyết. Sau khi xuất viện, tôi tái khám đều đặn, dùng thuốc và sinh hoạt tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Không những thế, tôi còn tích cực tham gia các chương trình tư vấn dành cho người bệnh ĐTĐ do bệnh viện tổ chức. Hiện nay, các chỉ số đường huyết của tôi luôn ổn định, đặc biệt là tôi đã sống lạc quan hơn và sinh hoạt bình thường trở lại”.
Chị Nguyễn Kim S., 37 tuổi, một giáo viên tiểu học tại An Giang, sau khi biết mình bị ĐTĐ, chị đi khám và dùng thuốc rất điều độ. Nhưng do quá lo sợ về bệnh, chị ăn uống kiêng khem đến mức giảm gần như tối đa đường, tinh bột và chất đạm trong khẩu phần ăn, chỉ dám ăn rau luộc mỗi ngày. Mặc dù chỉ số đường huyết ổn định, nhưng lúc nào chị S. cũng cảm giác mệt mỏi, tâm lý nặng nề. Đôi khi, chị không muốn tiếp xúc với những người xung quanh do mặc cảm về bệnh tật, khiến công việc bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống giảm sút. Trong một lần đến BV. ĐHYD tái khám, chị S. đã được các bác sĩ đã tư vấn tâm lý kỹ lưỡng và một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ nhưng vẫn giúp ổn định đường huyết. Sau khi được các bác sĩ chia sẻ tận tình, chị đã vượt qua những rào cản tâm lý và tự ti về bệnh tật. Từ đó, cuộc sống của chị thay đổi hoàn toàn. Chị cho biết cảm thấy bản thân khỏe mạnh hơn, lạc quan hơn, bình tĩnh đối mặt với bệnh tật hơn.
Yếu tố tâm lý: quan trọng
Tuy không lây lan nhưng tính chất nguy hiểm đái tháo đường nằm ở việc đây là một bệnh mạn tính, nghĩa là người bệnh phải theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh gần như suốt đời, chứ không thể chữa trị khỏi hẳn. Chính vì vậy, người bệnh sau khi được bác sĩ chẩn đoán ĐTĐ thường cảm giác rất lo sợ và có tâm lý phản kháng, không muốn mình bị bệnh hoặc hy vọng đây là bệnh lý có thể điều trị khỏi hẳn trong vòng vài tháng. Hoặc nặng hơn, một số người bệnh có thể bị rối loạn lo âu và trầm cảm.
Theo BS.CKI. Trần Minh Triết – Khoa Nội tổng hợp BV. ĐHYD, những rối loạn tâm lý ở người bệnh ĐTĐ là rất thường gặp, nhưng thường bị bỏ sót trong thực hành lâm sàng. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm, bởi tâm lý của người bệnh là một yếu tố quan trọng trong suốt quá trình điều trị. Nếu những rối loạn, bất ổn về tâm lýkhông được nhận biết, giải tỏa và tháo gỡ kịp thời sẽ khiến người bệnh đái tháo đường hoang mang, tìm đến những phương pháp điều trị không khoa học hoặc bỏ dở liệu trình điều trị giữa chừng, khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn và có thể xuất hiện nhiều biến chứng khác.
Với ĐTĐ, người bệnh cần chấp nhận sống chung với nó để dùng thuốc, có chế độ ăn thích hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời có lối sống lành mạnh. Để từ đó, người bệnh ổ định được sức khỏe và sống thọ, sống khỏe mạnh.
THẾ PHONG