Anh Tùng, 37 tuổi (Hà Nội) cho biết, từ ngày bị “trên bảo dưới không nghe”, anh vô cùng chán nản và mất tự tin. Trước đó, đời sống phòng the của hai vợ chồng vốn khá nồng nhiệt, “chuyện ấy” diễn ra đều đặn tuần 2-3 lần, ít thì cũng một lần.
Gần một năm trước, “cậu nhỏ” bỗng dở chứng, không còn tuân theo ý chủ nhân nữa. Nhiều lần anh muốn chiều vợ nhưng “cậu ấy” cứ im lìm. Bối rối, tự ti, về sau anh lảng tránh bà xã, rồi lên mạng tìm hiểu thông tin, tự mua thuốc bổ “ông uống, bà khen” về dùng nhưng tình hình vẫn không cải thiện.
Bà xã anh nhận ra những khác lạ của chồng, lúc nhỏ nhẹ hỏi han, khi đùng đùng giận dỗi, nên cuối cùng anh đành thú nhận tình trạng. Vợ động viên mãi, anh mới đi khám. Hai vợ chồng đều bất ngờ khi bác sĩ nam khoa tư vấn anh nên khám thêm chuyên khoa tim mạch vì nhiều khả năng tình trạng “trên bảo dưới không nghe” là do bệnh tim.
Ảnh minh họa: Flplahore.blogspot.com. |
Thấy chồng ăn khỏe, uống nhiều nhưng người cứ gầy đi, đồng thời lười “yêu” hơn hẳn, chị Bình (Mê Linh, Vĩnh Phúc) thấp thỏm lo lắng nhưng hễ nhắc đi khám là anh gạt đi. “Mình lo lắng cho sức khỏe của chồng, nhưng anh ấy lại dễ tự ái, cứ nghĩ vợ chê ‘khoản đó’ nên không thích nói về việc này. Mình cũng chẳng biết mở lời ra sao”, chị Bình thổ lộ.
Người phụ nữ 33 tuổi cho biết, trước đây ông xã chị vốn là người có nhu cầu sinh lý cao. Vì thế khi anh ít đòi hỏi, có lúc chị chủ động thì “cậu nhỏ” của chồng cũng không phản ứng gì. Ban đầu chị nghi anh có bồ, nhưng về sau, thấy sức khỏe của chồng sa sút, tinh thần cũng mệt mỏi thì chị lại lo lắng anh có bệnh.
“Mãi tuần trước anh ấy mới đi khám, thì hóa ra bị tiểu đường rồi”, chị Bình cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm nam học, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, “trên bảo dưới không nghe” hay rối loạn cương là tình trạng dương vật không cương theo ý muốn của chủ nhân, diễn ra trong thời gian dài, lặp đi lặp lại. Đa số các bệnh nhân than thở “muốn lên để ‘giao ban’ nhưng không được, muốn kéo dài cuộc yêu thì chưa chi đã xìu”. Thế giới có 30 triệu nam giới bị bệnh này và con số ngày càng tăng lên, do môi trường, lối sống của xã hội hiện đại thay đổi.
Theo bác sĩ, trước đây người ta cho rằng 90% rối loạn cương do nguyên nhân tâm lý (căng thẳng, cuộc sống nhiều biến cố…), 10% do các nguyên nhân thực thể. Ngày nay, khoa học chứng minh quan niệm đảo ngược lại: 90% rối loạn cương là nguyên nhân thực thể, chẳng hạn như liên quan đến các bệnh thần kinh, mạch máu, đái tháo đường, chấn thương cột sống…, chỉ 10% do tâm lý. “Dù bệnh do nguyên nhân gì thì yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng”, bác sĩ nói.
Chuyên gia giải thích, có 3 cơ chế cương dương vật. Thứ nhất là kích thích tại chỗ (thủ dâm, dùng tay kích thích cậu nhỏ, tác động đến lớp da chứa rất nhiều đầu tận cùng thần kinh). Thứ hai là cơ chế từ trung ương như tưởng tượng một cô gái đẹp, là tín hiệu kích thích thần kinh trung ương chỉ huy cung phản xạ cương hoạt động;
Thứ 3, cương theo cơ chế hóa sinh. “Cậu nhỏ” có 2 vật hang. Đây là nơi chứa nhiều mạch máu, trong đó có nhiều tế bào nội mô mạch máu, có nhiệm vụ nhận chất dinh dưỡng từ máu đưa đến, tổng hợp thành NO (Nitric Oxide) – tác nhân gây giãn mạch lớn. Khi nam giới có ham muốn tình dục, kích thích tình dục thì các tế bào nội mô của “cậu nhỏ” tăng cường sản xuất lượng NO càng ngày càng lớn, đến mức làm mạch máu “cậu nhỏ” giãn ra, máu đến dương vật nhiều, bộ phận này cương lên.
Tuy nhiên, “cậu nhỏ” cũng không thể cương mãi. Sau khi NO sản xuất ra, sẽ có men phosphodiesterase inhibitor thủy phân ngược trở lại, không cho tạo thành NO, duy trì được trạng thái cương và mềm của cậu nhỏ. Rối loạn cương dương xảy ra khi lượng NO sản xuất ra không đủ, máu đến dương vật ít đi khiến nó không thể cương. Sự mất cân bằng giữa yếu tố làm giãn mạch và co mạch “cậu nhỏ” sẽ làm mất cân bằng giữa cương và mềm.
Khi gặp tình trạng rối loạn cương dương, nam giới thường rất ngại ngùng, sợ quan hệ tình dục, lần sau trước khi quan hệ nghĩ mình thất bại nên thiếu tự tin. Đa số mọi người nghĩ đó là bệnh lý của cậu nhỏ, không phải bệnh lý của cả cơ thể. Nhiều người tự tìm cách chữa, rất nguy hại.
Theo bác sĩ, tâm lý của tất cả bệnh nhân là e dè, ngại đi khám bệnh. Hành trình đi khám bệnh thường rất dài: đấu tranh tư tưởng xem có nên đi khám không, loay hoay tìm cách tự khắc phục, thừa nhận với vợ mình “yếu”… Có nhiều người không đủ can đảm tự đi gặp bác sĩ, phải có vợ đi cùng, đẩy vào phòng khám.
“Việc các anh ngại đi khám, tự tìm cách chữa đôi khi rất nguy hại. Biểu hiện cậu nhỏ không cương đôi khi là dấu hiệu sớm báo hiệu bệnh lý khác xảy ra. 40% rối loạn cương dương xảy ra trước khi bị bệnh lý về đái tháo đường, tim mạch… Hãy coi rối loạn cương bình đẳng với các bệnh khác, không có lý do gì phải ngại ngùng. Có như vậy mới có chiến lược phát hiện và dự phòng bệnh tốt hơn”, bác sĩ Bắc khuyến cáo.
Theo bác sĩ, trong quá trình điều trị “trên bảo dưới không nghe”, vai trò của người vợ cực kỳ quan trọng, hơn cả bác sĩ và thuốc cường dương. Nhiều bà vợ sai lầm khi thấy chồng “yếu” lại tỏ ra bực bội, dè bỉu hoặc trách móc các ông no xôi chán chè ở chỗ khác nên bỏ bê giường chiếu. Thực tế, khi bất lực, đàn ông đã rất tự ti, lo lắng, căng thẳng. Họ lúc đó như đứng ở vực thẳm. Người vợ chìa tay kéo thì họ quay lại, còn dùng tay đẩy thì chồng rơi xuống.
“Người vợ cần là người chấn an tinh thần cho chồng. Chấp nhận chuyện đó, vui vẻ động viên, an ủi chồng, khơi lên ngọn lửa để chồng tự tin hơn. Nếu không khả quan, động viên chồng cùng đi khám. Sau đó quan tâm hơn đến sức khỏe của chồng, loại bỏ những thói quen không lành mạnh như đi nhậu bỏ cơm nhà, nghiện thuốc lá; tăng cường động viên anh xã tham gia các hoạt động thể dục thể thao, đi bộ…”, bác sĩ chia sẻ.
Vương Linh
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi