Cao Quỳnh Hoa (Hà Nội)
Huyết áp của người bình thường sẽ duy trì ổn định ở mức 120/80mmHg. Các trường hợp chỉ số huyết áp đột ngột tăng hoặc giảm có thể do một số nguyên nhân sau: Do yếu tố tâm lý như stress, căng thẳng, tức giận,…; Do sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…; Môi trường thay đổi đột ngột, ví dụ thời tiết nóng lạnh đột ngột, mưa nắng thất thường; Rối loạn mỡ máu, rối loạn nội tiết hoặc cơ thể có khối u; Người bệnh mắc một số bệnh lý về tim mạch; Do sốt hoặc có các cơn đau dữ dội bất ngờ; Rối loạn thần kinh thực vật; Do dùng một số loại thuốc gây ảnh hưởng tới huyết áp; Ngoài ra, huyết áp lúc tăng lúc giảm có thể do bẩm sinh, suy tim, chứng rối loạn trương lực cơ, thay đổi tư thế đột ngột,… Khi huyết áp bị tăng giảm không ổn định, nhịp tim của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng. Tim sẽ đập nhanh hoặc chậm hơn, thậm chí đập ngắt quãng không đều khiến người bệnh dễ bị suy tim, độ dẻo dai của mạch máu kém dần. Lúc này, nguy cơ bị tai biến, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ ở người có huyết áp không ổn định sẽ tăng gấp đôi so với người chỉ bị huyết áp cao hoặc thấp. Huyết áp lúc tăng lúc giảm nếu không kiểm soát được, có thể gây nguy hại đến tính mạng của người bệnh, do đó chú ý cần theo dõi huyết áp hàng ngày.Đồng thời, cần áp dụng một lối sống khoa học với chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Điều này sẽ giúp người bệnh giải tỏa căng thẳng, stress, đồng thời nâng cao sự dẻo dai và sức đề kháng của bản thân. Bên cạnh đó, bạn nên đưa mẹ đi khám chuyên khoa tim mạch để được xác định nguyên nhân, chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
BS. Bội Hoàn