Một trong những biểu hiện của viêm nhiễm đường hô hấp là hiện tượng tăng tiết. Dịch tăng tiết này là môi trường cho vi khuẩn phát triển đồng thời cản trở luồng lưu thông không khí dẫn đến hiện tượng thiếu oxy chung cho đường hô hấp cũng như các tế bào biểu mô đường hô hấp nơi tiếp xúc với dịch. Việc làm sạch dịch đường thở có ý nghĩa quan trọng trong giảm triệu chứng, giúp cho thời gian điều trị rút ngắn hơn.
Hút dịch đường hô hấp trên
Hút dịch mũi xoang
Hút dịch mũi xoang là phương pháp y học giúp làm sạch đường thở. Đây là một trong những phương pháp sử dụng các dụng cụ y khoa để thực hiện hút dịch từ xoang tiết ra. Hút dịch do viêm xoang mũi không đúng cách, đôi khi sẽ gây những hậu quả như đau đầu, chóng mặt, tổn thương niêm mạc mũi, nhiễm trùng, thậm chí khiến tình trạng bệnh chuyển biến tiêu cực hơn.
Các bước thực hiện hút xoang mũi tại nhà, bạn có thể tham khảo:
Chuẩn bị: Dụng cụ hút mũi hoặc máy hút mũi, nước muối sinh lý NaCl 0,9%, thuốc phối hợp khi hút dịch.
Tư thế của người bệnh: Ngồi hoặc nằm, đầu ngửa 15 độ.
Tư thế của người hút: Ngồi đối diện với bệnh nhân, cao hơn bệnh nhân 20cm hoặc ngồi cạnh giường bên tay phải, ngồi ngang vai người bệnh. Chuẩn bị dây hút, máy hút, đặt áp lực máy hút phù hợp, chuẩn bị sẵn meche mũi và khăn giấy để cầm máu nếu có tai biến.
Dùng bình hút mũi cầm tay để hút dịch đường hô hấp trên.
Các bước thực hiện
Bước 1: Đối với bình hút mũi cầm tay, bạn bóp nhẹ vào thân bình, đặt đầu hút vào bên trong mũi. Sau đó, thả tay bóp thân bình để hút dịch mũi. Đối với máy hút, cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và điều chỉnh lực hút/áp lực cho phù hợp.
Bước 2: Bơm nước muối sinh lí vào mũi, ngửa mặt, giữ trong mũi khoảng 30 giây, rồi cúi đầu xuống để nước muối cuốn theo dịch mũi còn sót chảy ra.
Bước 3: Dùng khăn giấy lau khô mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lí và vệ sinh dụng cụ hút mũi.
Các phương pháp làm sạch xoang khác
Chọc rửa xoang – hút xoang nội soi: Kim bơm sẽ qua đường mũi vào xoang, sau đó nước muối sinh lí sẽ được bơm vào để đẩy hết lượng mủ viêm bên trong xoang ra ngoài và làm sạch xoang. Đây là một trong những phương pháp phổ biến hiện nay và mang lại hiệu quả hỗ trợ điều trị viêm xoang rất cao.
Hút xoang dưới áp lực: Phương pháp này đưa thuốc vào bên trong xoang, thường dùng cho người viêm xoang mạn tính. Liệu trình điều trị gồm nhiều lần, tùy tình trạng của người bệnh.
Những lưu ý cần thiết
Giữ vệ sinh, khử trùng dụng cụ hút mũi, cũng như tay khi thực hiện. Không lạm dụng hút dịch mũi.
Một số trường hợp cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
Hút mũi xoang chỉ là một trong số những cách làm thuyên giảm các triệu chứng chứ không thể trị dứt điểm bệnh viêm xoang. Những rủi ro khi thực hiện không đúng cách có thể gây đau đớn, tổn thương mũi.
Hút dịch tại đường hô hấp dưới
Phương pháp này nhằm mục đích khai thông đường hô hấp bị tắc nghẽn do đờm, dịch bằng một ống thông nối với một máy hút, đưa qua ống nội khí quản hoặc ống mở khí quản. Đôi khi phải dùng đến ống soi mềm. Được áp dụng chủ yếu cho các trường hợp bị ứ đọng đờm sau khi đặt ống nội khí quản hay mở khí quản. Đây là phương pháp cần thiết cho người bệnh nhưng không thể thực hiện tại nhà hay tự làm mà phải do cán bộ y tế chuyên khoa được đào tạo bài bản tiến hành. Các phương tiện giúp thực hiện phương pháp là máy hút, bóng ambu, ống hút dòm mềm nhiều cỡ, vô khuẩn, kìm kocher. Để tiến hành, thầy thuốc cầm đầu ống thông đưa nhanh qua ống nội khí quản cho đến khi có phản xạ ho. Mở máy kéo ống thông từ từ ra ngoài vừa kéo vừa xoay đầu ống thông. Hạn chế không đẩy đi đẩy lại. Hút theo ba tư thế: Đầu ngửa thẳng, nghiêng phải, nghiêng trái. Mỗi đợt không quá hai phút, mỗi lần hút không quá 30 giây. Hút xong, cho người bệnh thở oxy 100% trong vài phút. Trong quá trình thao tác, bác sỹ thực hiện cần theo dõi sát sao nhịp tim, mạch, tình trạng đờm của người bệnh. Nếu thấy đờm khô, phải truyền dịch cho người bệnh hoặc cho uống đủ nước hoặc bơm nước vào phế quản 1ml dung dịch nước cất để làm loãng đờm. Ngoài ra, cần theo dõi thêm huyết áp, sắc mặt và ý thức bệnh nhân. Để phòng ngừa hiện tượng ngừng tim, nhịp tim chậm do phản xạ cần cho người bệnh dùng thuốc atropin, ipratropium xịt hoặc đặt máy tạo nhịp tạm thời.
TS. Phạm Bích Đào