Hội chứng đại tràng kích thích: Có thể trị dứt điểm?

Trong cuộc sống hiện đại, áp lực công việc gấp gáp khẩn trương, căng thẳng về tinh thần, ít có thời gian thư giãn vui chơi giải trí… nên bệnh có xu hướng ngày càng gặp nhiều hơn.

Nguyên nhân mắc hội chứng đại tràng kích thích

Hội chứng đại tràng kích thích (HCĐTKT) còn có nhiều tên goi khác: bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt, rối loạn cơ năng ống tiêu hóa… Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và ngày càng nhiều, thường gặp nhất ở lứa tuổi thanh niên và tỷ lệ bị ở nữ thường cao gấp 3 – 4 lần so với nam giới. Tại Mỹ có khoảng 25% dân số mắc bệnh, ở Việt Nam có 30-40% bệnh nhân đến khám ở chuyên khoa tiêu hóa mắc HCĐTKT.

Hội chứng đại tràng kích thích: Có thể trị dứt điểm?Người bị hội chứng đại tràng kích thích cần tránh những bữa ăn quá nhiều đạm, đồ chiên rán để hạn chế bớt sự co bóp của đại tràng.

Nguyên nhân bệnh chưa rõ, chỉ ghi nhận có một số cơ chế tham gia gây bệnh như: bất thường co bóp tại tiểu tràng và đại tràng, tăng cảm nhận đau của cơ quan nội tạng, bất thường về tâm thần (bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, stress …). HCĐTKT chỉ là những triệu chứng, không có bằng chứng về những tổn thương thực thể khi đi khám đại tràng qua nội soi, sinh thiết…

Tuy bệnh không nguy hiểm đến tính mạng và không dẫn đến một số bệnh khác như viêm loét đại tràng, ung thư đại tràng… nhưng gây khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Những dấu hiệu đặc trưng

Bệnh kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm với 2 triệu chứng chính: đau bụng và rối loạn đi tiêu.

Đau bụng, thường là đau quặn thắt có khi đột ngột, nhưng cũng có khi báo hiệu trước bằng biểu hiện đau lâm râm trước đó 4-5 phút, người bệnh có cảm giác mót đại tiện cấp bách phải đi tiêu. Cơn đau thường xuất hiện ngay sau bữa ăn hoặc sau khi có chấn thương tâm lý, ở phụ nữ có thể xuất hiện trong thời gian gần kỳ kinh nguyệt. Vị trí đau thường ở vùng dưới phía bên trái, đôi khi cũng xuất hiện ở bên phải. Một đặc điểm điển hình của cơn đau là khi trung tiện hoặc đi tiêu xong thì đỡ đau hoặc hết đau ngay và sinh hoạt bình thường.

Rối loạn đi tiêu, thường là tiêu chảy (cũng có khi không tiêu chảy mà thành khuôn sền sệt như kiểu “sống phân”) có đặc điểm thường xảy ra vào buổi sáng, sau bữa điểm tâm, tiêu chảy liên tiếp 2-3 lần, thậm chí nhiều hơn rồi bình thường không có gì suốt ngày hôm đó, ban đêm ít khi bị. Tiêu chảy có thể kéo dài hàng tháng, sau đó tự hết mà không cần điều trị. Một dạng khác là đau bụng, táo bón (phân có thể có mũi nhầy nhưng không có máu), hoặc tiêu chảy xen lẫn với từng đợt táo bón.

Ngoài 2 triệu chứng đặc trưng nói trên, người bệnh có thể mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ… nhưng bình thường không sốt, các xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm, Xquang bụng, nội soi ống tiêu hóa… đều bình thường. Nhưng bệnh cứ kéo dài làm cho người bệnh buồn phiền, giảm chất lượng cuộc sống và nếu kiêng khem nhiều, ăn uống giảm sút có thể trở thành gầy yếu.

Hội chứng đại tràng kích thích: Có thể trị dứt điểm?Tập thể dục điều độ, nhẹ nhàng để giảm nguy cơ mắc bệnh.   Ảnh: TM

Điều trị thế nào?

Điều trị HCĐTKT là một khó khăn chung cho cả Đông và Tây y, dùng thuốc gì vẫn cứ bị tái phát. Do chưa biết chính xác nguyên nhân nên chỉ điều trị triệu chứng là chính. Việc dùng thuốc tùy theo triệu chứng nào là chủ yếu thường bao gồm thuốc điều hòa nhu động ruột; Nếu đau bụng nhiều thì dùng các thuốc giảm co thắt; Nếu tiêu chảy nhiều thì dùng Loperamide, Diarsed,  Lomotil… Một số thuốc an thần, chống trầm cảm cũng có thể được chỉ định.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Cần thay đổi lối sống để phòng bệnh và góp phần làm giảm bệnh như: tránh suy nghĩ căng thẳng, không làm việc quá sức, tập thể dục thường xuyên, tập đi bộ, bơi lội, tập thở sâu theo phương pháp dưỡng sinh… để tạo một cơ thể khỏe mạnh thích ứng với môi trường sống của xã hội hiện đại.

Trong ăn uống cần điều độ, không bê tha rượu bia, kiêng các chất kích thích chua, cay, cà phê, những thức ăn sinh hơi. Kiêng những thực phẩm nếu ăn vào bị rối loạn tiêu hóa như sữa và sản phẩm có sữa, chất tanh (tôm, cua, cá…), mỡ, trứng… Nếu ăn không thấy có rối loạn tiêu hóa thì không cần kiêng. Ăn chậm nhai kỹ, không ăn một bữa quá no mà có thể chia thành những bữa nhỏ để hạn chế bớt sự co bóp của đại tràng.

 

 

BS. Vũ Hướng Văn

Rate this post