Hẹp ống sống – Những biến chứng nguy hiểm

Nếu bạn thấy đau thắt lưng và đau lan xuống chân, rất có thể bạn đang có triệu chứng hẹp ống sống thắt lưng. Khi các rễ thần kinh ở thắt lưng bị chèn ép, hay bị bó nghẹt, và điều này có thể tạo nên những triệu chứng của đau dây thần kinh tọa.

Hẹp ống sống liên quan tới sự thoái hóa ở cột sống, thường gặp ở tuổi ngoài 50. Hẹp ống sống có thể xảy ra ở các vị trí khác nhau của cột sống. Khoảng 75% các trường hợp hẹp ống sống xảy ra ở cột sống thắt lưng (được gọi là hẹp ống sống thắt lưng), hầu hết sẽ tác động đến dây thần kinh tọa, dây thần kinh này nằm ở mặt sau của hai chân, người ta thường gọi là đau dây thần kinh tọa.

Hẹp ống sống, do đâu?

Những sự thay đổi do thoái hóa có thể dẫn tới hình thành những gai xương từ thân đốt sống, những gai xương này có thể phát triển vào trong ống sống và gây chèn ép tủy sống.

Sự thoái hóa của các dây chằng cột sống (ví dụ: dây chằng dọc sau, dây chằng vàng) làm các dây chằng này dày lên và làm hẹp lòng ống sống.

Hẹp ống sống - Những biến chứng nguy hiểm

Nếu viêm khớp cột sống xảy ra, các khớp này sẽ to lên rất nhiều, đến nỗi chúng chèn ép vào ống sống.

Một đĩa đệm bị thoát vị hay phình sẽ làm giảm đường kính trước sau của ống sống.

Những triệu chứng đặc trưng

Đau chân (đau thần kinh tọa) kèm đau cột sống thắt lưng, tê và thắt chặt chân.

Đau chân khi đi bộ, đây là triệu chứng có thể xảy ra do một trong hai nguyên nhân hẹp ống sống hoặc viêm tắc động mạch chi dưới. Đau chân do những nguyên nhân này đều giảm khi nghỉ ngơi, nhưng với hẹp ống sống, bệnh nhân thường phải ngồi xuống trong vài phút để giảm đau và thường kèm đau thắt lưng, trong khi đau chân do viêm tắc động mạch chi dưới sẽ giảm nếu bệnh nhân chỉ cần ngừng đi lại đơn thuần.

Mặc dù đôi khi những triệu chứng và đau chân do hẹp ống sống đến tức thì, tuy nhiên nhìn chung chúng tiến triển trong một thời gian dài. Bệnh nhân bị hẹp ống sống càng đứng hay đi bộ lâu thì càng đau chân nhiều. Cong người ra trước hoặc ngồi xuống sẽ làm rộng ống sống và làm giảm đau chân cũng như giảm các triệu chứng khác, nhưng đau sẽ lại trở lại nếu bạn để lưng ở tư thế thẳng.

Những biến chứng nguy hiểm

Trong những trường hợp hiếm, hẹp ống sống thắt lưng có thể gây tác hại nghiêm trọng hơn đến mức đau tồn tại dai dẳng và kèm liệt hai chân. Hầu hết các trường hợp đau lan chân khi đi bộ, đau sẽ giảm khi ngồi (hiện tượng này cũng có thể gặp trong viêm tắc động mạch chi dưới). Hẹp ống sống cổ có thể nguy hiểm hơn do sự chèn ép tủy sống và có thể dẫn tới yếu hai tay, thậm chí liệt tứ chi. Điều này không xảy ra ở cột sống thắt lưng, do tủy sống không có ở đoạn cột sống thắt lưng.

Hẹp ống sống - Những biến chứng nguy hiểm

A. Mặt cắt ngang qua cột sống thắt lưng bình thường.

B. Mặt cắt ngang qua cột sống của người bị hẹp ống sống thắt lưng.

Các phương pháp phát hiện hẹp ống sống

Bệnh nhân bị hẹp ống sống có thể được làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán bệnh gồm: chụp cộng hưởng từ cột sống hoặc chụp cắt lớp cột sống có tiêm thuốc cản quang vào khoang dưới nhện, đôi khi cả 2 phương pháp. Chụp cắt lớp thường có giá trị chẩn đoán rất giới hạn trừ phi được chụp với rất nhiều lớp cắt.

Người ta thấy rằng mỗi dạng hẹp ống sống có một ảnh hưởng động trên sự chèn ép thần kinh, ví dụ khi bê vật nặng. Do sự chèn ép động này, nên những triệu chứng của hẹp ống sống rất khác nhau giữa các thời điểm và những khám xét lâm sàng tổng thể sẽ không thấy sự tổn thương thần kinh hay cơ lực yếu nào. Một vài phương pháp kiểm tra hiện nay cho phép bệnh nhân ở tư thế đứng thẳng để đánh giá ảnh hưởng của lực ép dọc lên cột sống.

Ngoài ra, hẹp ống sống được xác định chính xác bằng cách tiêm một lượng nhỏ thuốc gây tê vào thần kinh nghi bị chèn ép (gây tê chọn lọc thần kinh). Sau khi tiêm, sự giảm bớt những triệu chứng của hẹp ống sống khi đi bộ, cùng với yếu tạm thời chân, là cách chẩn đoán và giúp cho bệnh nhân liệu có nên phẫu thuật không.

Khi hẹp ống sống xảy ra ở hai hay ba tầng (2 hay 3 đốt sống) nhưng có thể chỉ ảnh hưởng tới 1 rễ thần kinh rõ ràng, khi đó cần sự kết hợp thăm khám về giải phẫu và lâm sàng là cần thiết, để đưa ra quyết định điều trị.

Các phương pháp điều trị

Phụ thuộc tình trạng nặng của triệu chứng, hẹp ống sống có thể được điều trị mà không phẫu thuật. Có 3 cách điều trị thường được sử dụng cho hẹp ống sống gồm:

Vật lý trị liệu

Thay đổi hoạt động: ví dụ đi bộ trong khi cong lưng về phía trước và tay chống gậy hay tỳ vào tay đẩy xe hàng thay vì đi bộ đứng thẳng lưng; đạp xe (người đổ ra trước, tay tựa vào tay lái) thay vì đi bộ cho tập thể dục; ngồi ghế tựa cong lưng lại hơn là ngồi thẳng lưng.

Gây tê ngoài màng cứng: tiêm cortisone vào khoang ngoài màng cứng có thể làm giảm tạm thời các triệu chứng của hẹp ống sống. Tiêm cortisone hiếm khi khỏi hẳn bệnh nhưng chúng có thể làm giảm đau 50% các trường hợp.

Thuốc chống viêm (ví dụ ibuprofen, aspirin) có thể có ích trong điều trị hẹp ống sống. Một số bác sĩ khuyên nên sử dụng hỗn hợp vitamin B cùng với 1.200mg axit folic hằng ngày, nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh là phương pháp điều trị hiệu quả trong y văn.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Chìa khóa cho sự lựa chọn liệu có nên phẫu thuật hay không là mức độ hạn chế vận động của bệnh nhân và mức độ đau do hẹp ống sống. Như một nguyên tắc, khi một bệnh nhân (thường đã già) không thể đi bộ để tự chăm sóc bản thân thì phẫu thuật điều trị hẹp ống sống thường được khuyên sử dụng.

 

TS. BS. Nguyễn Hoàng Long

((Khoa Phẫu thuật cột sống – Bệnh viện Việt Đức))

Rate this post