Răng gồm 4 nhóm: răng cửa đảm nhiệm chức năng cắt, răng nanh đảm nhiệm chức năng xé, còn răng hàm nhỏ và hàm lớn là nghiền. Răng cùng với khoang miệng tạo sự cộng hưởng giúp âm phát được tròn, rõ tiếng. Con người ngày càng vươn tới sự hoàn thiện cả về mặt chân, thiện, mỹ nên hàm răng góp phần lớn vào sự tự tin giao tiếp. Mọi người đều mong muốn có hàm răng đều, men răng sáng, bóng.
Khi các răng vĩnh viễn mọc lên và vì một lý do nào đó mà bị mất đi thì sẽ không có răng nào mọc lên để thay thế cho chúng. Và nếu không được phục hồi thích hợp, kịp thời thì ắt hẳn bạn sẽ gặp phải những hậu quả khôn lường khi bị mất răng. Đó có thể là những hậu quả tại chỗ và toàn thân – ảnh hưởng ngay tức thì hoặc lâu dài đến sức khỏe răng miệng, sức khỏe toàn thân và chất lượng cuộc sống.
Mất răng làm xô lệch hàm răng.
Ảnh hưởng tại chỗ
Mất răng gây ảnh hưởng chức năng ăn nhai, thức ăn không nghiền nhuyễn trước khi được nuốt để tiêu hóa tiếp; Các tuyến nước bọt cũng bị rối loạn hoạt động tiết; Các răng bên cạnh vùng mất răng có xu hướng ngả vào vùng răng mất, các răng ở hàm đối diện có xu hướng trồi lên (đối với hàm dưới) hoặc thòng xuống (đối với hàm trên) làm cho khoảng mất răng bị thu hẹp lại, sau nhiều thời gian rất khó để làm phục hình răng giả. Đồng thời, các răng nghiêng, lệch sẽ làm cho sự tiếp xúc với răng đối diện kém, ăn nhai không tốt, giữa các răng có khe hở gây giắt thức ăn làm bệnh nhân khó chịu, có mảng bám – cao răng và tiêu xương; Phát âm bị ảnh hưởng, đặc biệt là những âm gió, những âm có cử động của lưỡi tựa lên vùng răng bị mất; Khi giao tiếp, nhiều bệnh nhân ngại khi nói – cười hở những khoảng trống do răng bị mất; Các răng đối diện răng mất không có sự chạm khớp khi ăn nhai làm lắng đọng các chất gây mảng bám – cao răng; Các cơ môi má không bù đắp được do mất sự nâng đỡ của răng sẽ bị lép môi má hoặc xuất hiện nhiều nếp nhăn. Mất nhiều răng làm tầng mặt dưới bị ngắn, khớp cắn sâu, 2 bên mép hay bị nấm; Khi các răng hàm bị mất thường gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Lực nhai tập trung vùng răng cửa, thói quen ăn nhai thay đổi, chạm khớp lệch do bệnh nhân thường cố tìm điểm chạm ở các răng còn lại làm cho hàm dưới quá tải, có xu hướng chìa ra phía trước. Sau khi bị mất răng hàm trên tiêu xương từ ngoài vào trong, hàm dưới tiêu theo chiều ngược lại càng làm mất cân xứng hai hàm; Ảnh hưởng xoang hàm: Khi mất răng dẫn đến tiêu xương hàm, xoang hàm cũng mở rộng ra và tiêu xương hàm nhiều hơn; Hội chứng S.D.A.M: Đau vùng khớp thái dương hàm.
Ảnh hưởng toàn thân
Khi thức ăn chưa được nghiền sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa với các cơ quan hay bị ảnh hưởng nhất là: dạ dày, gan, mật, đại tràng. Ở người cao tuổi, hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Hậu quả của mất răng.
Sự mất răng, đau răng, viêm quanh răng liên quan đến các bệnh lí toàn thân: tim mạch, tiểu đường, huyết áp; Khi răng bị mất lâu ngày, nếu không được chữa trị kịp thời thì hậu quả mà người bệnh phải gánh chịu thường nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ của bệnh nhân. Mất răng ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người cao tuổi. Các công trình nghiên cứu cho thấy rằng tỉ lệ mất răng tỉ lệ thuận với số tuổi. Cùng với tình trạng bệnh lí như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, loãng xương… thì việc can thiệp nha khoa ở người cao tuổi là một thách thức đối với các bác sĩ nha khoa. Để thực sự trở thành người đáng tin cậy trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng ở người cao tuổi thì người bác sĩ nha khoa phải am tường sức khỏe tổng quát của bệnh nhân mới có thể lựa chọn phương pháp can thiệp nha khoa thích hợp nhất.
TS.BS. Đàm Ngọc Trâm
((Viện đào tạo Răng Hàm Mặt ( Đại Học Y Hà Nội))