Bản thân sốt có nguy hiểm?
Rất dễ để nhận thấy sốt là mối bận tâm thường gặp của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Sốt là một trong ba vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo sợ nhiều nhất trong các đợt bệnh cấp tính của trẻ. Nhiều phụ huynh tin rằng sốt sẽ gây tổn thương não, hôn mê và tử vong.
Đúng là thân nhiệt tăng quá cao sẽ phá vỡ chuyển hóa bên trong tế bào và gây tổn thương các cơ quan. Nhiệt độ cao trên 41,5oC có ghi nhận trong một số ca tăng thân nhiệt, và mức nhiệt độ cao như thế có thể gây hại đáng kể cho cơ thể bao gồm cả tổn thương não. Tuy nhiên, tăng thân nhiệt là hậu quả của việc tăng không được kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Sốt, ngược lại, là một tình trạng gia tăng có kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Nói cách khác, sốt là tình trạng cài đặt lại ngưỡng nhiệt cho cơ thể có kiểm soát, và do đó, rất hiếm khi đưa đến tình trạng tăng thân nhiệt ở mức nguy hiểm. Hầu như không có chứng cớ nào cho thấy bản thân sốt là nguy hiểm.
Thực tế, việc xử trí sốt ở trẻ thường thực hiện khá rập khuôn.
Trẻ sốt cao có báo hiệu một bệnh lý nặng tiềm ẩn hay không?
Một nhóm tác giả đã tiến hành một tổng quan hệ thống phân tích mối liên hệ giữa mức độ trầm trọng của sốt và tỷ lệ bệnh nặng. Bài tổng quan kết quả chứng tỏ giá trị tiên đoán của sốt cao còn rất ít, và ngược lại, nhiều trẻ mắc bệnh lý nặng cũng không kèm sốt cao nhiều. Tuy nhiên, khi phân tích ở những độ tuổi khác nhau, dường như sốt trên 39oC có giá trị tiên đoán bệnh nặng tốt hơn đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, và thậm chí tốt hơn nữa với trẻ dưới ba tháng tuổi.
Việc cố gắng hạ sốt cho trẻ mang đến những lợi ích gì?
Nếu sốt không gây hại, vậy thì tại sao chúng ta lại muốn hạ sốt? Một lý do thường được viện dẫn là điều trị sốt để làm giảm những triệu chứng kèm theo sốt hơn là bản thân sốt. Trẻ thường khó chịu hoặc mệt mỏi trong lúc sốt, đưa đến ăn kém, rối loạn giấc ngủ. Đau và phù nề cũng là những hậu quả đã được biết của tình trạng viêm, vốn thường hiện diện trong bệnh cảnh nhiễm trùng ở trẻ. Mặt khác, thuốc hạ sốt ở trẻ cũng có tác dụng giảm đau và một thuốc khác cũng có tác dụng giảm viêm. Có thể những lợi điểm chính khi dùng thuốc hạ sốt xuất phát từ những tác dụng đi kèm này.
Một lý do khác thường được đưa ra để điều trị sốt là ngăn ngừa co giật, đặc biệt ở những trẻ đã có tiền căn sốt co giật trước đó. Về vấn đề này, đã có một số bài tổng quan và phân tích tổng hợp với chất lượng tốt được thực hiện. Kết luận từ những bài này đều cho thấy không có chứng cứ nào cho thấy thuốc hạ sốt có thể ngăn ngừa co giật. Gần đây hơn, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng đã chứng tỏ không có khác biệt về tỷ lệ tái phát sốt co giật dù trẻ có được điều trị thuốc hạ sốt để ngăn ngừa hay không. Nghiên cứu này cũng cho thấy phần lớn sốt co giật xảy ra ở thời điểm khởi phát sốt, giúp giải thích tại sao thuốc ngăn ngừa không có hiệu quả.
Vậy tại sao chúng ta lại cố gắng hạ sốt cho trẻ?
Sốt là một phần trong đáp ứng tự nhiên của cơ thể với tình trạng nhiễm khuẩn. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi giả định rằng có tồn tại những lợi điểm trong sốt. Về phương diện tiến hóa, đáp ứng viêm của cơ thể sẽ không được duy trì qua các thế hệ nếu nó không giúp làm tăng khả năng sống sót cho cơ thể. Thêm nữa, về mặt sinh học, có chứng cứ cho thấy vi sinh vật bị ảnh hưởng bất lợi bởi nhiệt độ trên 37oC và một số cơ chế đáp ứng của cơ thể có hiệu quả tốt hơn ở thân nhiệt cao.
Nếu nhìn theo một hướng khác, nếu sốt có lợi, liệu có chứng cứ nào cho thấy nỗ lực hạ sốt sẽ gây hậu quả tệ hơn? Ngoài một số kết quả từ vài nghiên cứu mô tả, hiện có rất ít bằng chứng có chất lượng giúp trả lời câu hỏi trên. Một nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng thường xuyên paracetamol ở trẻ thủy đậu sẽ trì hoãn sự lành các mụn nước. Trong một nghiên cứu khác, kết quả cho thấy việc điều trị phòng ngừa bằng paracetamol làm giảm nồng độ kháng thể chống lại các vắc-xin tiêm cho trẻ. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác còn cho thấy việc điều trị thuốc hạ sốt không liên quan với sự kéo dài thời gian bệnh.
Chứng cứ về lợi điểm của sốt vẫn còn rất hạn chế, nhưng chúng ta có thể đồng ý rằng, khi xem xét về mặt lý thuyết, có một lý do chính đáng cho phép sốt diễn ra. Chúng ta không nên điều trị sốt một cách thường quy ở trẻ không có biểu hiện mệt mỏi.
TS.BS. Nguyễn An Nghĩa (Bộ môn Nhi – ĐHYD TP.HCM)