Khi xem xong bóng đá, do tinh thần đang rất phấn khích, nên rất khó để ngủ được ngay. Rất nhiều người tiểu đường than phiền gặp những rắc rối về giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không sâu giấc và hay thức giấc giữa đêm. Thực tế lâm sàng cho thấy, mức đường huyết dao động vào ban đêm sẽ khiến người bệnh đái tháo đường khó ngủ. Nếu lượng đường trong máu quá cao sẽ dẫn đến chứng tiểu đêm nhiều lần, làm gián đoạn và giảm chất lượng giấc ngủ. Ngược lại, khi đường huyết hạ đột ngột, người bệnh sẽ đổ mồ hôi, run người vào ban đêm. Với bệnh nhân tiểu đường thì giấc ngủ cũng quan trọng như chế độ ăn uống. Khi gặp vấn đề về giấc ngủ, người bệnh thường ở trong trạng thái mệt mỏi, thiếu tỉnh táo và có thể khiến đường huyết tăng vọt, bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Không nên thức trắng đêm liên tiếp để xem hết các trận bóng.
Thiếu ngủ làm thay đổi sự cân bằng của hệ thống hormon trong cơ thể, làm tăng tình trạng đề kháng insulin, khiến cho cơ thể luôn mệt mỏi, thiếu năng lượng để hoạt động. Khi đó, cơ thể có xu hướng bù đắp lại lượng calo bị thiếu hụt bằng cách ăn nhiều hơn, điều này lại làm cho lượng đường trong máu tăng cao, gây khó ngủ và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Nó tạo nên một vòng luẩn quẩn mà hầu hết người bệnh tiểu đường đều mắc phải.
Vậy người bệnh tiểu đường nên làm gì để xem bóng đá mà không bị thiếu ngủ? Tốt nhất là nên chọn trận để xem, không nên thức trắng đêm xem liên tiếp các trận. Như vậy rất hại sức khỏe. Nếu đêm nay thức thì ngày hôm sau phải ngủ bù, không nên để cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Nên nằm xa các thiết bị điện tử vì ánh sáng và sóng từ thiết bị này làm khó ngủ. Không uống cà phê, rượu hoặc hút thuốc vào buổi tối. Thư giãn trước khi đi ngủ. Nghe nhạc thư giãn, ngồi thiền hoặc tập hít thở trước khi ngủ có thể giúp đi vào giấc ngủ tốt hơn. Trong dịp World Cup, người bệnh tiểu đường nên uống thuốc đều đặn, không được quên uống thuốc và nên đo đường huyết thường xuyên. Nếu thấy đường huyết tăng giảm bất thường, thì cần đi khám bác sĩ ngay.
Thanh Huyền