Tiếp theo số 115
Dưới đây là danh sách và thời điểm tiêm các loại vắc-xin:
Tháng thứ nhất:
1. BCG: Vắc-xin phòng bệnh lao:
Dùng cho các bé chưa được tiêm phòng lao tốt nhất trong tháng đầu tiên của cuộc đời, càng sớm càng tốt sau khi sinh với liều tiêm 0,1ml trong da.
Vắc-xin không sử dụng cho người quá mẫn với vắc-xin, người có suy giảm miễn dịch vì bất cứ nguyên nhân nào. Lưu ý: không tiêm nhắc nếu không thấy sẹo lao do lo ngại các phản ứng bất lợi sau tiêm ở những lứa tuổi lớn hơn.
Tháng thứ 2-3-4:
2. Vắc-xin phối hợp nhiều thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan b và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib hiện gồm 3 loại trong đó Quinvaxem là vắc-xin TCMR và 2 vắc-xin dịch vụ là Pentaxim (5 trong 1) và Infarix Hexa (6 trong 1). Cả ba vắc-xin đều tiêm cho trẻ 3 mũi cơ bản trong thời gian 2-3-4 tháng tuổi, liều nhắc lại tiêm lúc 16-18 tháng nhưng Quinvaxem được nhắc với DPT ở 18 tháng còn hai vắc-xin còn lại được sử dụng luôn để tiêm nhắc.
Cần tiêm vắc-xin cho trẻ đúng định kỳ. Ảnh: TM
Về cơ bản, các vắc-xin đều chống chỉ định với trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc-xin viêm gan B. Ngoài ba vắc-xin nêu trên, vắc-xin có thành phần ho gà, bạch hầu, uốn ván còn có các sản phẩm như:
DPT: Uốn ván, bạch hầu và ho gà hiện sử dụng trong TCMR và tiêm ở 18 tháng bổ sung cho 3 liều cơ bản Quivaxem.
Tetraxim: Bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt, sử dụng trong TCDV cho các trường hợp không tiêm được Pentaxim và Infarix hexa đúng lịch. Vắc-xin này gồm 4 thành phần và có thể tiêm đến 7 tuổi.
Adacel: Uốn ván, bạch hầu và ho gà sử dụng cho người lớn với thành phần tương tự DPT. Vắc-xin này được sử dụng chủ yếu với mục đích gây miễn dịch cho các bà mẹ có thai để miễn dịch đó bảo vệ cho trẻ mới sinh ra.
3. Vắc-xin phòng phế cầu xâm nhập (Sylflorix): Phòng ngừa các bệnh lý phế cầu xâm nhập (bao gồm hội chứng nhiễm trùng, viêm màng não, viêm phổi vi khuẩn và nhiễm khuẩn huyết) và viêm tai giữa cấp tính. Tạo miễn dịch chủ động cho trẻ em và trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi ngừa các bệnh gây ra bởi pPhế cầu. Synflorix™ không được tiêm cho các đối tượng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin. Liều tiêm bắp 0,5ml.
Đối với trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi: sử dụng liệu trình 3 liều cơ bản: 2-3-4 tháng tuổi. Liều đầu tiên có thể được tiêm sớm nhất vào lúc 6 tuần tuổi. Liệu trình cụ thể cần có sự tư vấn của bác sĩ tiêm chủng.
4. Vắc-xin Meningococcal BC: được chỉ định nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm huyết thanh thanh B và C. Vắc-xin được tiêm cho trẻ từ tháng tuổi thứ ba và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải di đến vùng dịch.
Cũng nên tiêm vắc-xin cho những người sống trong một cộng đồng như các trung tâm chăm sóc trẻ em trường nội chú, doanh trại quân đội, nhà tù, các vùng có mật độ dân cư cao hoặc cộng đồng có báo cáo về các trường hợp nhiễm não mô cầu nhóm huyết thanh B và C.
Lịch tiêm cơ bản gồm hai liều 0,5ml, khoảng cách giữa các lần tiêm là 6 – 8 tuần. Liều tiêm thứ hai là bắt buộc để đạt được mức bảo vệ. Lịch tiêm đuợc áp dụng với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đến 45 tuổi.Theo kinh nghiệm sử dụng vắc-xin, không cần thiết phải tiêm nhắc lại.
Tháng thứ 6
5. Vắc-xin Cúm (Influvac, Inflexal V, Fluarix)
Dự phòng bệnh cúm, đặc biệt là ở những người có nguy cơ bị các biến chứng kèm theo cao.
Chống chỉ định với các trường hợp quá mẫn với các hoạt chất, với bất kỳ tá dược nào, trứng gà, protein gà, formaldehyde, cetyltrimethylammonium bromide, polysorbate 80 hoặc gentamicin.
Với trẻ từ 7-11 tháng tuổi: Liệu trình tiêm chủng vắc-xin Sylflorix (đã nêu ở trên) bao gồm 2 liều tiêm 0,5ml với khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 1 tháng. Liều thứ ba được chỉ định vào năm tuổi thứ hai với khoảng cách ít nhất là 2 tháng. Với trẻ từ 12-23 tháng tuổi: Liệu trình tiêm chủng bao gồm 2 liều tiêm 0,5ml với khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 2 tháng. Chưa cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại sau liệu trình tiêm chủng này.
Tháng thứ 9
6. Vắc-xin phòng sởi, Rubella
Hiện TCMR sử dụng vắc-xin sởi đơn cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người chưa có kháng thể sởi. Vắc-xin phối hợp sởi – Rubella được sử dụng cho trẻ trên 1 tuổi, trong TCMR vắc-xin phối hợp này được tiêm ở 18 tháng. Vắc-xin phối hợp sởi – quai bị – Rubella hiện mới chỉ dùng trong tiêm chủng dịch vụ và tiêm tại 12 tháng, đồng thời nhắc lại nhằm đề phòng trường hợp không đáp ứng với mũi tiêm trước.
Do đây là các vắc-xin sống, cả ba loại vắc-xin kể trên đều chống chỉ định với các trường hợp bị nhiễm khuẩn cấp tính, mắc bệnh lao tiến triển chưa được điều trị hay suy giảm miễn dịch (trừ trẻ em bị HIV).
Tư vấn tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: Trần Minh
Tháng thứ 12
Vắc-xin sởi – Rubella và sởi – quai bị – Rubella (MMR, Priorix, Trimovac): ngoài đối tượng đủ 12 tháng tuổi, thường được chỉ định cho phụ nữ chuẩn bị mang thai nhằm tạo kháng thể tốt hơn truyền cho con.
Các chống chỉ định cho những vắc-xin này bao gồm: phụ nữ có thai, trường hợp bị nhiễm khuẩn cấp tính, mắc bệnh lao tiến triển chưa được điều trị hay suy giảm miễn dịch (trừ trẻ em bị HIV). Điều trị các thuốc ACTH, corticosteroid, xạ trị, các thuốc thuộc nhóm alkyl hoặc ức chế chuyển hóa, suy giảm miễn dịch nặng. Bệnh bạch cầu, các u bạch huyết lympho hoặc các bệnh ác tính khác ảnh hưởng đến chức năng tủy xương hoặc hạch bạch huyết.
7. Vắc-xin phòng thủy đậu: được chỉ định để tiêm phòng bệnh thủy đậu cho đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên và được chỉ định để dự phòng cho những người nhạy cảm bị phơi nhiễm bệnh thủy đậu trong vòng 3 ngày và có thể đến 5 ngày sau khi tiếp xúc.
Chống chỉ định với các đối tượng có tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, kể cả gelatin.
Do Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành dịch, hiện chỉ khuyến cáo sử dụng liều đơn vắc-xin thủy đậu mà không cần liều nhắc lại.
Tháng thứ 18
Mũi nhắc lại của sởi – Rubella, DPT được thực hiện trong khoảng thời gian này. Cần hoàn thành trước 24 tháng tuổi để đảm bảo khả năng bảo vệ cho trẻ.
Tháng thứ 24
8. Vắc-xin phòng não mô cầu (Menningo AC)
Não mô cầu týp A và týp C dùng để phòng ngừa các bệnh do Neisseria meningitidis (não mô cầu) týp A và týp C gây ra ở người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
Không sử dụng với bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ một thành phần nào của vắc-xin, trước đây đã từng bị phản ứng nghiêm trọng trong khi tiêm vắc-xin này. Bị sốt cao hay bị nhiễm khuẩn cấp tính, nên hoãn việc tiêm ngừa lại. Không được tiêm bắp cho người bị rối loạn chảy máu như hemophili hoặc giảm tiểu cầu vì họ có thể bị chảy máu hay tụ máu tại chỗ tiêm.
Liều tiêm bắp hoặc tiêm dưới da với liều 0,5ml. Người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên: một liều (0,5ml) vắc-xin đã hoàn nguyên.
9. Vắc-xin phế cầu: Pneumo 23 phòng ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) và các nhiễm khuẩn nặng do phế cầu khuẩn. Pneumo 23 là một vắc-xin được chỉ định để phòng ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) và các nhiễm khuẩn nặng do phế cầu khuẩn (ví dụ như nhiễm khuẩn huyết hay viêm màng não) do các týp huyết thanh của phế cầu khuẩn có trong thành phần của vắc-xin.
Chống chỉ định với các bệnh nhân bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của Pneumo 23 hay trước đây đã từng bị phản ứng dị ứng sau khi tiêm Pneumo 23 hay vắc-xin có chứa thành phần tương tự, khi bị nhiễm khuẩn đang sốt cao.
Tiêm bắp với liều 0,5ml một liều duy nhất.
Các khoảng thời gian khác:
– Vắc-xin cúm cần nhắc lại hàng năm.
– Các vắc-xin khác cần nhắc lại tùy theo nhà sản xuất.
Trên đây là các vắc-xin phòng bệnh lây qua đường hô hấp hiện đang được triển khai tại Việt Nam. Việc lựa chọn vắc-xin nào cho con của bạn rất cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên ngành tiêm chủng và tuân thủ theo lịch tiêm sẽ đảm bảo cho con bạn được bảo vệ đúng lúc nhất.
TS.BS. Phạm Quang Thái