Khốn khổ vì bệnh giun chỉ bạch huyết
Theo tờ Mirror của Anh số ra mới đây, chàng trai Liu Zhongqiu, 26 tuổi, người Fuxing, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với căn bệnh cực kỳ hiếm gặp có tên Lymphatic filariasis (giun chỉ bạch huyết), xuất hiện sau khi giun tròn xâm nhập và ký sinh trong cơ thể thông qua muỗi đốt. Căn bệnh quái ác này khiến cho đôi chân của Liu sưng to gấp 7 lần chân những người bình thường nên LF còn được là bệnh “chân voi”.
Theo Liu Zhongqiu, tai họa bắt đầu khi bị muỗi đốt, hai tinh hoàn bắt đầu sưng tấy phải phẫu thuật để đưa vào bụng, bệnh tình khiến Liu đi lại khó khăn, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, trong khi đó bệnh vẫn không dừng, khiến trọng lượng cơ thể tăng vọt tới 323 lbs (146,5kg). Năm 2000, khi mới 19 tuổi, bác sĩ cho biết anh mắc phải bệnh LF, không thể sống quá 20 tuổi bởi bệnh tiến triển nhanh nhưng đến nay Liu đã sống thêm tới 7 năm nên người ta xem đây là một phép lạ.
Liu Zhongqiu với căn bệnh LF quái ác
Do được cảnh báo không sống quá 20 tuổi nên Liu đã đi khắp các tỉnh Trung Quốc để tìm cách chữa trị. Hiện đang tá túc tại TP Wuhan, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, vừa kiếm sống bằng nghề ăn xin vừa hy vọng có được đôi chân bình thường, những lúc nào cũng nơm nớp lo vì nó phát nổ trước khi được can thiệp.
Bệnh LF có chữa khỏi ?
Theo WHO, LF là bệnh nhiễm ký sinh trùng Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori, được truyền từ người này sang người khác do muỗi đốt và phát triển thành giun sống, phát triển trong hệ mạch bạch huyết, gây tổn thương, sưng đau, khó khăn khi di chuyển, biến dạng chi cơ thể và cơ quan sinh dục. Bệnh phổ biến ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, ước khoảng 20% dân số thế giới sống trong vùng có nguy cơ phơi nhiễm cao.
Thủ phạm chính là giun chỉ (filarial worms) ký sinh trong hệ bạch huyết, cũng như các loại giun trong ký sinh trùng đường ruột khác, giun chỉ cái nở trứng thành ấu trùng, chui qua ống ngực rồi vào máu, vật chủ trung gian truyền bệnh là những loài muỗi thường gặp, như Culex, Anopheles, Aedes, Mansonia và Coquillettidia. Khi muỗi có ấu trùng giun chỉ hút máu người rồi tiếp tục truyền cho nhiều người giống như truyền bệnh sốt rét hay sốt xuất huyết (Dengue)…
Phần lớn những người nhiễm giun chỉ bạch huyết thường có ấu trùng trong máu nhưng lại không có biểu hiện lâm sàng trong nhiều năm hoặc cả đời. Nếu có thường là sốt cao, tái phát từng đợt, mỗi đợt kéo dài 3 – 7 ngày, viêm hạch bạch huyết. Mạn tính, có thể viêm hoặc phù bộ phận sinh dục, phù voi chi dưới, đi tiểu ra nuớc trắng đục như nước vo gạo, để lâu không lắng. Để phát hiện bệnh, bác sĩ thường khuyên xét nghiệm ấu trùng trong máu và làm các thủ tục cần thiết khác.
Về điều trị, bác sĩ sẽ áp dụng các cách điều trị dựa trên bệnh lý. Nếu có biểu hiện phù voi như: phù chi, bộ phận sinh dục, vú… thì dùng thuốc diệt giun chỉ, tuy nhiên trước khi dùng thuốc phải làm các xét nghiệm cụ thể. Và cuối cùng nên nhớ, LF là căn bệnh lan truyền từ người sang người do muỗi, nên phòng bệnh là rất quan trọng. Như tăng cường ý thức bảo vệ cá nhân, phòng chống muỗi đốt, diệt bọ gậy, loăng quăng, ngủ trong màn tẩm hóa chất… Công tác phòng chống và điều trị bệnh giun chỉ bạch huyết cần thực hiện đồng bộ, toàn dân, nhất là ở những vùng có tỉ lệ phơi nhiễm ấu trùng giun chỉ bạch huyết cao.
DS. Trang Nhung
(Theo Mirror/WHO -8/2017)