Cụ bà 76 tuổi ở Khánh Hòa vừa được phát hiện mang thai hóa đá nhiều năm trời. Đây là trường hợp rất hiếm gặp ở Việt Nam cũng như thế giới.
Bình thường trứng sau khi thụ tinh di chuyển và làm tổ trong buồng tử cung. Thai ngoài tử cung là trứng thụ tinh làm tổ bên ngoài buồng tử cung. Vị trí thường gặp nhất của thai ngoài tử cung là ở ống dẫn trứng, ngoài ra, thai có thể nằm ở những vị trí khác như cổ tử cung, sẹo mổ cũ, buồng trứng và trong ổ bụng.
Mang thai đá (Lithopedion) là hiện tượng hiếm gặp, xảy ra khi thai nằm trong ổ bụng chết và lâu ngày vôi hóa dần. Tỷ lệ thai trong ổ bụng khoảng 1/11.000 trường hợp thai kỳ, trong đó 1,5-1,8 % thai hóa đá.
Thông thường những thai nhỏ chết sẽ thoái triển và được tái hấp thu bởi cơ thể người mẹ. Riêng thai lớn, mô thai sẽ tồn tại lâu ngày bên trong cơ thể người mẹ. Mô thai bị vôi hóa che chắn các cơ quan của mẹ nhằm bảo vệ mẹ không bị nhiễm trùng và ảnh hưởng bởi các chất hoại tử mô thai vào cơ thể mẹ.
Mang thai đá có thể xảy ra với tuổi thai từ sau 3 tháng đến khi trưởng thành, thường sẽ không được chẩn đoán trong một thời gian dài, có khi vài chục năm. Tình trạng này chỉ tình cờ được phát hiện qua thăm khám sức khỏe hoặc vì lý do khác như đau bụng, đau lưng và chụp X-quang.
Kết quả chụp phim cho thấy khối thai cứng trong ổ bụng cụ bà 76 tuổi tại Khánh Hòa. Ảnh: Tường Vi. |
Lịch sử, quá trình hình thành thai đá
Mang thai đá được mô tả lần đầu tiên trong một tiểu luận của bác sĩ Albucasis vào thế kỷ thứ 10. Có dưới 300 trường hợp đã được ghi nhận trong vòng 400 năm của y văn thế giới. Thai hóa đá sớm nhất tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ học tại Bering Sinkhole, trên cao nguyên Edwards trong Kerr County, Texas vào 1100 năm trước Công nguyên. Một mẫu vật mô thai đá đã được tìm thấy trong một địa điểm khảo cổ tại Gallo-La Mã ở Costebelle, miền Nam nước Pháp vào thế kỷ thứ tư.
Năm 1880, bác sĩ người Đức Friedrich Küchenmeister xem xét 47 trường hợp lithopedia từ các tài liệu y khoa và xác định ba nhóm:
– Lithokelyphos (“vỏ bọc đá”), hiện tượng vôi hóa xảy ra trên màng nhau thai, thai nhi không bị vôi hóa.
– Lithotecnon hay true lithopedion: thai nhi bị vôi hóa sau khi vào khoang bụng, sau khi vỡ của màng nhau thai, màng nhau không bị vôi hóa.
– Lithokelyphopedion (đá vỏ bọc và thai), cả thai nhi và màng nhau đều bị vôi hóa.
Oden và Lee 1940 đã đưa ra những điều kiện để thai nhi bị vôi hóa thành thai đá:
– Thai nhi phải nằm ngoài tử cung.
– Thai nhi phải sống trong bụng mẹ hơn 14 tuần, vì nếu nhỏ hơn sẽ bị tái hấp thu.
– Tình trạng mang thai này không được phát hiện và chẩn đoán sớm.
– Thai nhi vô trùng.
– Có điều kiện tối thiểu để hiện tượng vôi hóa xảy ra (có tuần hoàn đến thai ít và chậm)
Về mặt hóa sinh, hiện tượng vôi hóa của thai ngoài tử cung diễn tiến như thế nào vẫn còn khá mơ hồ. Tuy nhiên, người ta cho rằng quá trình vôi hóa trong cơ thể thường được tìm thấy ở những nơi tế bào cơ thể bị tổn thương. Tiến trình này thường được kết hợp với các động mạch bị hư hại dẫn đến tim và não, bệnh vú lành tính và ác tính, sỏi thận, trong mô cơ và mô liên kết, chẳng hạn như sụn, một số bệnh lý khớp và cột sống.
Theo khoa X-quang của Đại học Washington, 95-98% ca bị loạn dưỡng, hoặc là kết quả của tổn thương mô mềm trong cơ thể. Mục đích của vôi hóa được cho là nhằm bảo quản mô – ví dụ trong thành động mạch bị hư hỏng, vôi hóa xảy ra để ngăn chặn sự hoại tử liên tục có thể lan rộng.
Người ta thấy rằng có thể có một mối quan hệ rất trực tiếp giữa hiện tượng vôi hóa và lý do thai ngoài tử cung tạo ra khối vôi hóa. Trong trường hợp mang thai đá, sau khi thai nhi đã ngừng phát triển, các mô của thai không còn được cung cấp lượng máu phù hợp, do đó nó bắt đầu phá vỡ. Sự tích tụ của muối vôi khi đó bắt đầu hình thành, dần dần tạo nên một khối giống như đá.
Thai đá cổ điển, nơi chỉ có các thai nhi được vôi hóa thường là một khối sờ thấy mà không được kết nối với bất kỳ một cơ quan nào của người mẹ hoặc thành bụng. Nó rất có thể là cơ thể người mẹ đối xử với thai nhi như một mô bị tổn thương, do đó vôi hóa thai để ngăn chặn bất kỳ lây nhiễm nào do mô hoại tử. Kết quả là một khối khá lành tính. Điều này giải thích tại sao có một số lượng lớn các trường hợp mang thai đá mà chính chủ thể không hề nhận biết.
Theo y văn, tuổi của bệnh nhân vào ngày chẩn đoán thai đá dao động từ 23-100 tuổi, 2/3 trong số đó trên 40 tuổi. Thời gian thai nhi nằm trong bụng mẹ là 4-60 năm. Thai chết xảy ra từ 3 đến 6 tháng trong 20% các trường hợp, giữa 7 và 8 tháng là 27% và đủ tháng là 43% trường hợp.
Theo một báo cáo vào tháng 11/2000 của Passini, Renato và cộng sự, có 300 trường hợp mang thai đá được ghi nhận trên thế giới. Cụ bà Huang Yijun 92 tuổi người Trung Quốc được ghi nhận mang thai đá trong bụng suốt hơn 60 năm. Hoặc bà Bogota 80 tuổi người Colombia đã phát hiện mang thai đá trong bụng suốt 40 năm, khi đến bệnh viện khám vì đau bụng.
Một số triệu chứng
Hầu hết các trường hợp không triệu chứng trong nhiều năm. Một số trường hợp đau vùng chậu, cảm giác nặng trằn bụng dưới, ảnh hưởng đến đặc biệt là bàng quang và trực tràng.
Một số biến chứng liên quan đã được báo cáo sau một thời gian dài không có triệu chứng như thủng bàng quang và trực tràng, lộ các phần của thai nhi qua thành bụng, trực tràng và âm đạo; tắc ruột (do va chạm của các bộ phận của thai nhi ruột hoặc tuân thủ) và xoắn ruột.
Chẩn đoán
Chẩn đoán được gợi ý bởi một lịch sử lâm sàng, một khối u vùng chậu được sờ thấy khi thăm khám và thường xuyên, chụp X-quang bụng là đủ để xác định chẩn đoán. Việc kiểm tra siêu âm cho thấy một khoang tử cung trống và xuất hiện khối u bụng không đặc hiệu.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ giúp xác định rõ về mặt bệnh học, chẩn đoán sự dính và các cơ quan khác bị ảnh hưởng, mặc dù không phải là hoàn toàn cần thiết. Có thể chụp hệ niệu có cản quang để đánh giá sự chèn ép hoặc thay đổi trong các cơ quan hoặc các hệ thống gần với nó.
Chẩn đoán phân biệt: khối u buồng trứng, u xơ tử cung, khối viêm, khối u đường niệu và bàng quang, vôi hóa mạc nối.
Xử trí
Có những trường hợp báo cáo mà không cần phẫu thuật triệt để thai đá. Tuy nhiên, do khả năng biến chứng, thậm chí sau nhiều năm, xử trí thích hợp là phẫu thuật cắt bỏ.
Phẫu thuật thường đơn giản và không mất nhiều máu. Tuy nhiên trường hợp thai dính nhiều với các cơ quan lân cận có thể gây khó khăn và cần sự phối hợp các chuyên khoa.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ