Gãy xương có nên bó lá?

Sự thật chỉ có một lựa chọn đúng đắn nhưng có rất nhiều thông tin sai lệch khiến cho người bệnh ra quyết định sai và phải chịu hậu quả nặng nề.

Rước tật vì thiếu hiểu biết

Anh Nguyễn Văn L. 54 tuổi ở Văn Lâm, Hưng Yên không may bị tai nạn trong khi lao động, một đống gỗ đổ đè vào chân khiến anh bị gãy xương cẳng chân. Nghĩ đến chuyện vào bệnh viện “phiền phức”, anh L. nghe người ta mách đến một thầy lang ở Hòa Bình để bó lá. Thầy cho anh một loại bột, dặn mỗi ngày thay một lần bột đắp ở chân. Đảm bảo sau 2 – 3 tuần sẽ đi lại được. Thế nhưng chưa đến thời hạn đó, chỉ sau 10 ngày đắp bột lá, da chân anh L. phồng rộp lên từng đám mọng nước, có chỗ da trợt loét bắt đầu có dấu hiệu nhiễm trùng. Anh lo lắng vào BV Việt Đức Hà Nội khám. BS ở đây chẩn đoán anh bị loét da do đắp thuốc lá. Chụp Xquang mới rõ, chỗ xương cẳng chân bị gãy của anh vẫn trong tình trạng di lệch chưa được chỉnh. Trường hợp của anh L. đúng là trong cái rủi có cái may, bởi nếu anh không bị loét da do thuốc lá thì đã không vào BV, nhờ đó phát hiện xương gãy vẫn còn di lệch chưa được căn chỉnh. Nếu cứ để như vậy, khoảng vài tuần nữa, xương tự can liền sẽ dẫn tới lệch trục gây tàn tật.

Không may mắn như anh L., em Nguyễn V. ở Hà Nội trong một lần đùa nghịch với bạn đã bị trật khớp khuỷu tay trái cách đây 1 năm. Gia đình không đưa vào BV mà đưa em đi bó lá. Khi vào BV Việt Đức, tay của V. đã ở tình trạng rất tệ: khớp khuỷu tay vẫn trong tình trạng bị trật, khủy tay biến dạng, dây chằng đều bị tổn thương, tay không co duỗi được bình thường chỉ gấp lại được khoảng 70 độ. Tuy chỉ định phẫu thuật,nhưng bác sĩ cũng không dám chắc sau ca mổ, tay em có trở lại được như cũ hay chỉ cải thiện được phần nào di chứng.

 

Thuốc lá không phải là thần dược

Có nhiều bệnh có thể chữa được bằng Đông y, nhưng gãy xương mà đi bó lá thì nguy cơ là rước tật vào thân. Nhiều thầy lang tự quảng cáo là có thuốc gia truyền chữa gãy xương hiệu nghiệm, thực chất là gì? Thuốc nam chữa gãy xương chủ yếu là các vị thuốc có tác dụng tiêu sưng, giảm đau. Trong trường hợp người bệnh gãy xương kín không có di lệch, hoặc rạn xương, nếu đảm bảo cố định xương tốt thì sau 6-8 tuần, cơ thể sẽ tự bồi đắp chất tạo xương khiến xương liền lại. Không có thuốc nào đắp bên ngoài có tác dụng làm liền xương cả. Quá trình tạo xương và liền xương đều diễn ra tự động trong cơ thể, không cần tác động gì thì một vết gãy xương vẫn tự liền sau 6-8 tuần. Do đó, nguyên tắc của cả Đông y lẫn Tây y trong điều trị gãy xương đều là phải nắn chỉnh xương trở lại trạng thái giải phẫu ban đầu, cố định để khỏi di lệch, trong đó chắc chắn và triệt để nhất là phẫu thuật bắt vít xương. Nhiều lương y chỉ nhận chữa trị gãy xương sau khi có phim chụp X quang chỗ xương gãy. Nếu chỗ gãy phức tạp, độ di lệch quá lớn, lương y sẽ khuyên người bệnh nên đến bệnh viện để phẫu thuật. Tuy nhiên vẫn có “thầy” lang vườn chữa theo kiểu bất chấp, khoa trương quảng cáo có thuốc gia truyền khiến cơ thể “đùn ra canxi nhanh hơn, liền xương chỉ sau 5-7 ngày”, khi đó người bệnh lãnh đủ.

Theo ThS. BS. Đỗ Văn Minh ( Viện Chấn thương Chỉnh hình – BV Việt Đức), không phải thầy lang nào cũng có hiểu biết về giải phẫu cơ thể người, hơn nữa do không có các thiết bị kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ, họ khó có thể nắn chỉnh xương trở về đúng chuẩn được. Ngoài ra, trong thời gian bó lá, do không được cố định vững chắc, xương cũng rất dễ bị di lệch. Tại BV, một ca gãy xương thông thường sẽ được chụp Xquang để xác định tình trạng gãy xương. Sau khi nắn chỉnh và bó bột, bệnh nhân còn được kiểm tra lại để xem hình ảnh xương liền có tốt hay không, đảm bảo thẳng đúng trục như giải phẫu hay không… để được điều chỉnh kịp thời. Sau đó, người bệnh còn được hướng dẫn hoặc điều trị phục hồi chức năng để có thể trở lại trạng thái vận động tốt nhất.

Chớ coi thường bong gân, trật khớp

Nhiều người, thậm chí cả những người có hiểu biết, học thức vẫn có suy nghĩ sai lầm là gãy xương mới cần đến BV, còn bong gân, trật khớp chỉ cần tới “ông thầy” kéo ra bó lá là được. Theo BS. Đỗ Văn Minh, trật khớp là một chấn thương không hề nhẹ. Khi khớp bị trật ra khỏi ổ khớp, 90% các dây chằng đều bị tổn thương, có trường hợp nặng dây chằng còn bị đứt. Trật khớp còn có thể dẫn tới tình trạng vỡ ổ khớp, vỡ chỏm khớp, gãy cổ chỏm kèm theo, bong sụn tiếp (ở trẻ em)… Trong trật khớp có thể tổn thương tới dây thần kinh và mạch máu xung quanh. Khi bị trật khớp, cần chụp Xquang để kiểm xác định tình trạng trật khớp và những biến chứng để có cách điều trị hợp lý nhất. Nếu đi bó lá, thuốc có thể chỉ giảm sưng, giảm đau mà tình trạng trật khớp không được điều chỉnh, để lâu ngày sẽ dẫn tới tàn tật.

Với chấn thương nhẹ hơn mà rất nhiều người chủ quan, thậm chí chỉ ở nhà dán các loại cao hay tự xoa dầu nóng là bong gân, ThS. BS. Minh cũng khuyến cáo: bong gân là một tổn thương dây chằng. Tổn thương này có thể nhẹ như dãn dây chằng, có thể nặng tới mức đứt dây chằng. Nếu bó lá có thể gây tình trạng lắng đọng canxi xung quanh điểm bám gân, xung quanh bao khớp khiến khớp bị hạn chế vận động. Hơn nữa, nếu gặp phải “thầy lang vườn”, các loại lá bó, bột đắp có thể gây dị ứng, loét da tại chỗ. Với những trường hợp tự xử lý bong gân tại nhà bằng cách xoa mật gấu, dầu nóng còn nguy hơn, bởi dầu nóng sẽ chỉ khiến tình trạng ứ dịch và bầm máu nặng hơn. Bong gân nếu không được điều trị đúng sẽ dẫn tới tình trạng xơ dây chằng gây đau mạn tính, teo cơ, cứng khớp…

Dù là gãy xương, trật khớp hay bong gân, người bệnh cần đến bệnh viện để được khám, chụp chiếu xác định tình trạng chấn thương và được điều trị đúng cách.

Thanh Mai

Rate this post