Mất ngủ là chứng bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi, có rất nhiều nguyên nhân. Theo y học cổ truyền, bệnh chủ yếu do âm huyết hư, máu nuôi dưỡng lên não kém; chức năng nội tạng suy giảm; chế độ ăn uống không phù hợp, lạm dụng vị cay nóng kích thích hoặc lo nghĩ, tức giận thái quá đều có thể dẫn đến mất ngủ. Sau đây là một số thực phẩm lý tưởng phòng trị mất ngủ:
Liên nhục (hạt sen): vị ngọt, tính bình, tác dụng bổi tỳ, dưỡng tâm, ích thận, định tâm an thần, di mộng tinh… Dùng dưới dạng phối hợp đậu xanh nấu chè, hoặc với bao tử, tim heo, gà, vịt hầm ăn. Trị thể tâm tỳ lưỡng hư ăn ngủ kém; tỳ khí hư về đêm bụng đầy trướng khó ngủ.
Ngó sen (liên ngẫu): vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm, dễ ngủ, lợi tiêu hoá, cầm huyết… Dùng dưới dạng làm gỏi, nấu canh, làm dưa chua, làm mứt, nấu chè, sắc ép nước uống đều tốt. Trị chứng âm hư hỏa bốc nên sinh ra hư phiền mất ngủ, tâm âm hư chập tối ồn ào khó ngủ.
Các bộ phận của cây sen như tâm sen, hạt sen, ngó sen, củ sen là vị thuốc dưỡng tâm an thần, giúp ngủ ngon.
Củ sen (liên căn): vị ngọt tính mát. Tác dụng bổ tâm, thanh hỏa, an thần, cầm huyết… Dùng dưới dạng hầm với xương thịt, heo, gà hoặc nấu chè, sắc nước uống đều tốt. Trị chứng tâm âm hư bứt rứt, hồi hộp, khó ngủ.
Tim sen (liên tâm): có vị đắng tính hàn. Tác dụng thanh tâm, khử nhiệt, an thần, sáp tinh chỉ huyết… Dùng dưới dạng sắc uống, pha như trà uống từ 4-6g hoặc phối hợp với vị thuốc khác. Trị chứng tâm âm hư bứt rứt, chứng tâm can hỏa tức giận thái quá mất ngủ… Lưu ý không dùng tim sen cho người tỳ khí hư, sợ lạnh bụng đầy khó ngủ.
Hoa lý: vị ngọt dịu tính bình. Tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, ích thận, định tâm an thần, tiêu viêm, trừ thấp… Dùng dưới dạng xào với tim heo, nấu canh với thịt, cá. Trị chứng tâm tỳ hư ăn ngủ đều kém; thận yếu tiểu đêm nhiều lần mất ngủ; tay chân nhức mỏi khó ngủ.
Nhãn nhục (long nhãn): vị ngọt, tính bình, tác dụng ích can, an thần, định trí, bổ huyết, bổ tâm tỳ. Dùng dưới dạng ăn tươi hoặc phối hợp hạt sen, đậu xanh nấu chè ăn đều tốt. Trị tâm tỳ hư lo ăn ngủ kém; chứng thiếu máu mất ngủ chóng mặt.
Rau rút (rau nhút): vị ngọt tính mát, tác dụng mát gan, giải nhiệt, an thần, lợi gân cốt, nhuận tràng, trừ bướu cổ… Dùng dưới dạng phối hợp, khoai sọ, thịt cua hoặc cá thịt nấu canh hoặc xào, sắc nước uống đều tốt. Trị mất ngủ do can đởm thấp nhiệt hông ngực buồn đầy, khi tức giận mất ngủ…
Táo ta, táo tây: vị ngọt tính bình, không độc. Tác dụng bổ tỳ, ích tâm, nhuận phế, dịu thần kinh… Dùng dưới dạng ăn tươi hoặc ép nước, xay sinh tố ăn đều tốt. Trị chứng tâm tỳ hư ăn kém, ngủ mơ màng không sâu; tỳ khí hư bụng đầy khó ngủ…
Quả dâu (tang thầm): vị ngọt tính bình. Tác dụng dưỡng huyết, ích can thận, an thần dễ ngủ… Dùng dưới dạng ăn tươi, ngâm rượu, làm mứt, ép nước, say sinh tố ăn đều tốt. Trị chứng huyết hư thiếu máu lên não khó ngủ chóng mặt… thận yếu tiểu đêm nhiều lần mất ngủ, chứng tâm tỳ hư ngủ mơ màng.
Quả dâu chín (tang thầm) không chỉ làm mứt, nước giải khát trong mùa hè mà còn chữa chứng tiểu đêm, mất ngủ,…
Rau đắng: vị hơi đắng, tính mát, tác dụng bổ tâm tỳ, mát gan lợi mật, dịu thần kinh, lợi cơ khớp… Dùng dưới dạng luộc chấm mắm, nấu cháo cá, ăn lẩu với thịt cá đều tốt. Trị chứng đởm thấp nhiệt bụng buồn đầy, miệng đắng, căng thẳng, stress sinh mất ngủ, chứng tâm âm hư bứt rứt khó ngủ ăn kém.
Bông súng (cây bông súng): vị ngọt tính mát. Tác dụng bổ tỳ, ích thận, an thần, sáp niệu… Thường lấy củ, bông, ngó cây súng làm rau, làm gỏi hầm ăn như củ sen, ngó sen… Trị chứng tâm tỳ hư ngủ mơ màng, hồi hộp khó ngủ, thận yếu tiểu đêm nhiều lần khó ngủ.
Lương y: Phan Thị Thạnh