Những đợt nắng nóng kéo dài suốt mùa hè gây hại cho sức khỏe con người. Nếu không chú ý, bạn rất dễ bị cảm nắng, say nắng: da đỏ, nóng, mồ hôi ra nhiều, khát nước, đau đầu, chóng mặt, thở nhanh, buồn nôn, tâm thần mệt mỏi. Sau đây là một số món ăn nước uống phòng chống cảm nắng.
Cháo đậu xanh, lá dâu: đậu xanh (cả vỏ) 50g, lá dâu non 16g, lá tía tô 12g. Rửa sạch đậu xanh nấu chín (có thể cho 1 ít gạo tẻ vào), cho dâu, lá tía tô đã thái nhỏ vào, đun sôi tiếp 5-10 phút nữa. Ăn khi cháo nguội để tránh ra mồ hôi nhiều. Công dụng: chữa cảm nóng có sốt cao, mồ hôi ra dâm dấp, miệng khô, khát, nước tiểu vàng.
Cháo lá bạc hà sơ tán phong nhiệt trị cảm nắng nóng, đau đầu, sốt, mắt đỏ….
Cháo lá bạc hà: lá bạc hà 10g, gạo lức 100g. Rửa sạch lá bạc hà đun với 200ml nước còn 100ml, bỏ bã, lấy nước. Gạo đãi sạch, cho nước nấu cháo đặc; khi cháo vừa chín tới, cho nước thuốc vào, tiếp tục đun sôi 1-2 lần nữa là được. Ngày 1 bát chia ăn 2-3 lần. Người dạ dày hư hàn nên ăn ít. Công dụng: sơ tán phong nhiệt trị cảm nắng nóng, đau đầu, sốt, mắt đỏ, họng sưng đau do cảm phong nhiệt mùa hè.
Cháo đậu xanh, lá sen: đậu xanh 30g, lá sen ¼ lá, gạo lức 100g. Rửa sạch đậu xanh cho vào nồi nấu trước. Khi chín cho gạo và lá sen vào, nấu cháo loãng. Ngày 1 bát chia ăn 2-3 lần. Công dụng: thanh nhiệt, giải độc, tiêu thử bồi bổ sức khỏe, trị cảm nắng nóng, ngực khó chịu, đầu căng.
Cháo hạt ngưu bàng: hạt ngưu bàng 15g, gạo lức 50g. Cho 250ml nước vào hạt ngưu bàng đun sôi còn 100ml, bỏ bã, lấy nước rồi cho gạo đã đãi sạch vào, đổ thêm nước nấu cháo. Ngày ăn 2 lần, ăn nóng. Người dạ dày hàn, khí hư không dùng. Công dụng: sơ tán phong nhiệt giải độc thấu chẩn, lợi niệu, tiêu phù, trị ngoại cảm phong nhiệt, ho, táo bón, nóng lở loét.
Cháo đậu xanh bách hợp: đậu xanh 50g, bách hợp tươi 50g, gạo lức 100g. Đậu xanh, bách hợp rửa sạch, nước vừa đủ cho 2 thứ vào nấu trước; khi chín cho gạo vào nấu cháo loãng, ngày 1 bát chia ăn nhiều lần. Người cảm phong hàn không nên dùng. Tác dụng: thanh nhiệt giải độc trừ ho trị cảm nắng, nóng.
Nước quả trám: quả trám tươi bỏ hạt 60g, hành củ 15g, gừng tươi 10g, tía tô 10g. Các thứ rửa sạch cho vào nồi với 1 lít nước lã đun sôi còn 400ml, vớt bỏ bã cho 1 ít muối. Uống trong ngày. Công dụng: giải biểu, tán hàn, trừ cảm, sốt, đau đầu, hắt hơi, chảy nước mũi.
Trà phòng cảm cúm: lá nhãn 100g, lá bạch đàn 100g, rửa sạch phơi khô, bóp vụn, hoa hòe 20g, trộn đều cho vào lọ để dùng dần. Mỗi lần dùng 1 thìa cà phê trà hãm với 200ml nước sôi, chắt ra hãm lần 2, chia uống nhiều lần trong ngày.
Lương y: Đình Thuấn