Phương pháp này đã được nhiều danh y nhắc đến trong các y văn cổ như trong Bản thảo cương mục, Lý Thời Trân đã ghi lại cách làm gối sáng mắt: “Vỏ khổ kiều, vỏ đậu xanh, vỏ đậu đen, quyết minh tử, hoa cúc làm ruột gối có tác dụng sáng mắt”. Tác giả Lục Cẩm Toại trong sách Ngoại trị phương tuyển có ghi dùng lá dâu và cúc hoa làm ruột gối chữa chứng đầu phong…
Theo y học cổ truyền, đầu là nơi hội tụ của các kinh dương, có nhiều huyệt vị quan trọng liên quan đến tuần hoàn của khí huyết và công năng hoạt động của các tạng phủ. Các dược liệu trong gối sẽ cọ xát, tác động lên da và huyệt vị vùng đầu mặt cổ, thẩm thấu vào trong cơ thể mà phát huy tác dụng. Tùy theo dược tính của các dược liệu trong gối mà có công dụng khác nhau như sơ phong thanh nhiệt, thanh nhiệt giải độc, an thần định trí, kiện não minh mục, thông lạc chỉ thống… Từ đó, các loại gối với công thức thuốc khác nhau dùng để phòng và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, hay quên, cao huyết áp, suy nhược thần kinh, đau cổ gáy…
Trong y học cổ truyền, để có tác dụng dưỡng não, an thần, ổn định huyết áp, thường sử dụng các vị thuốc thuộc nhóm bình can, tức phong, an thần, khai khiếu. Tùy từng chứng trạng cụ thể mà phối hợp các vị với nhau. Các vị bình can, tức phong trị các chứng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, hỏa bốc do can dương vượng, âm hư không nuôi dưỡng được can âm sinh ra, hay gặp trong bệnh cao huyết áp, suy nhược thần kinh, rối loạn tiền mãn kinh… có thể dùng các vị tằm sa, cúc hoa, tang diệp… Các vị an thần là những thuốc có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bình can, tiềm dương như táo nhân, vông nem, liên diệp, thảo quyết minh… dùng trong các trường hợp âm hư, huyết hư, tỳ hư không nuôi dưỡng được tâm, nên tâm không tàng thần, hoặc âm hư không nuôi dưỡng được can âm, can dương vượng lên, khiến thần chí không ổn định. Các vị phương hương khai khiếu có tác dụng tĩnh thần có mùi thơm, vị cay tác dụng phát tán, trừ đờm, làm thông các giác quan, khai các khiếu trên cơ thể. Thuốc tác dụng theo các cơ chế trừ đờm thanh phế để khai thông hô hấp, đồng thời trấn tâm (điều hòa nhịp tim) để khôi phục tuần hoàn khí huyết. Các thuốc phương hương khai khiếu thường sử dụng: xương bồ, băng phiến, xạ hương, an tức hương… Thuốc an thần dùng thích hợp với những bệnh tim loạn nhịp, mất ngủ, cuồng phiền, bệnh thường do chức năng thần kinh, chức năng tạng tâm mất thăng bằng. Các vị thuốc trên ngoài dùng bằng đường uống có thể tán nhỏ nhồi làm gối kê đầu hỗ trợ điều trị các bệnh tăng huyết áp, khó ngủ, hay lo lắng. Một số công thức thuốc như sau:
– Cúc hoa, đạm trúc diệp, tang diệp, sinh thạch cao, bạch thược, xuyên khung, từ thạch, mạn kinh tử, mộc hương, tằm sa, bạc hà, lượng vừa đủ nhồi vào trong vỏ ruột gối, mỗi ngày gối đầu khoảng 6 giờ, sử dụng một liệu trình 3 tháng. Công dụng: sơ phong thanh nhiệt, bình can tiềm dương, chủ trị cao huyết áp.
– Thạch quyết minh, hoa cúc trắng, hồng hoa, lượng vừa đủ, sấy khô tán vụn nhồi làm ruột gối, công dụng: tiềm dương bình can, hoạt huyết an thần, ổn định huyết áp.
– Phèn chua 300g, hạ khô thảo và hoa cúc trắng mỗi thứ 500g, sấy khô tán vụn nhồi làm ruột gối. Công dụng: thanh nhiệt, bình can, an thần giáng áp.
– Sinh thạch cao, từ thạch, cúc hoa, mộc hương, bạch thược, lá sương, lượng vừa đủ, sấy khô tán vụn nhồi làm ruột gối. Công dụng: thanh nhiệt bình can, dưỡng âm, ổn định huyết áp.
– Lá trà lượng vừa đủ, sấy khô, tán nhỏ, nhồi làm ruột gối dùng phòng bệnh cao huyết áp.
– Lá dâu, kinh giới, lượng vừa đủ, tán nhỏ nhồi vào gối. Tác dụng an thần, ổn định huyết áp.
– Thương truật, ngô thù du, lá ngải cứu, nhục quế, sa nhân, bạch chỉ, bạc hà, mộc lan, viễn chí. Lượng bằng nhau, tán thô nhồi làm gối, giúp định thần, giảm căng thẳng, ngủ ngon, sảng khoái, ổn định tâm trạng.
Để bảo quản được lâu, nên thường xuyên phơi gối nơi thoáng mát, có ánh nắng nhẹ để làm khô mồ hôi và hơi ẩm, tránh ẩm mốc, ruột gối phải còn mùi thơm. Nên thay gối sau 3 – 4 tháng sử dụng. Những ngày trời mưa ẩm nên dùng máy sấy sấy nhẹ. Cần chú ý giữ gối khô thoáng và thay gối kịp thời khi hết liệu trình để tránh hiện tượng ngứa ngáy, khó chịu, kích thích đường hô hấp do thuốc bị biến chất. Không sử dụng nếu mùi hương của thảo dược trong gối gây kích ứng. Có thể làm ấm nhẹ túi thuốc bằng lò vi sóng. Trước khi sử dụng nên vỗ đều cho gối xốp mềm. Gối thảo dược cần có thời gian để có tác dụng ổn định và hiệu quả. Có thể sử dụng riêng lẻ gối thảo dược hoặc kết hợp với các phương pháp khác như thuốc uống, ngâm, chườm, châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh… để dưỡng não, an thần, ổn định huyết áp và nâng cao sức khỏe.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ