Nguyễn Võ Hùng (Gia Lai)
Ngủ là một phần tối quan trọng của cuộc sống. Con người dành ra đến 1/3 cuộc đời chỉ để ngủ. Thời lượng ngủ của mỗi người thay đổi theo lứa tuổi. Trung bình một người bình thường cần ngủ 7 – 8 giờ mỗi đêm. Ở người lớn, nếu mỗi ngày ngủ trên 10 giờ thì được coi là ngủ nhiều. Ngủ nhiều ít gặp hơn so với mất ngủ, nhưng cũng ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc. Khoảng 1% số người lớn bị mắc chứng bệnh ngủ nhiều. Họ vào giấc ngủ rất dễ, ngủ liền một mạch đến sáng. Tuy nhiên, khi thức dậy, họ không cảm thấy mệt mỏi hay khó chịu gì. Trong ngày họ có thể có các giấc ngủ ngắn kéo dài 30-60 phút. Sau khi ngủ dậy họ lại cảm thấy thoải mái và tiếp tục công việc bình thường.
Cần phân biệt giữa ngủ nhiều và ngủ lịm. Ngủ nhiều chỉ đơn giản là thời lượng ngủ trên 10 giờ mỗi ngày, các chức năng xã hội nghề nghiệp vẫn bình thường. Còn ngủ lịm là đột nhiên rơi vào giấc ngủ, không thể cưỡng lại được, dù lúc đó đang ngồi, đang đi hoặc lái xe, rất nguy hiểm.
Như vậy, nếu anh ngủ nhiều, cách điều trị tốt nhất là bố trí thời gian ngủ ngắn hợp lý, như chợp mắt lúc giải lao, ngủ trưa là được. Nên uống cà phê buổi sáng và có thể uống cả vào buổi tối. Ngoài ra, có thể dùng thuốc piracetam uống vào buổi tối theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần để giảm cảm giác buồn ngủ.
Còn nếu tình trạng của anh là ngủ lịm thì việc chữa rất khó khăn. Với những người ngủ lịm nên được bố trí các công việc ít gây tai nạn. Các biện pháp uống cà phê, nước chè… ít kết quả.
Các trường hợp ngủ nhiều nặng phải dùng đến các thuốc kích thần (MDMA). Vì vậy anh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để xác định tình trạng ngủ nhiều của anh là gì, mức độ đến đâu để từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.
PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần – Bệnh viện Quân y 103)