Dùng tai nghe đúng cách để bảo vệ thính lực

Nhu cầu thưởng thức âm nhạc và phim ảnh công nghệ tăng cao nên dễ dàng bắt gặp cảnh giới trẻ đeo tai nghe trên đường, trong công viên, quán cà phê, quán Internet…. Họ say mê đến mức độ ngoại cảnh không mấy tác động. Ngoài ra còn có nhiều đối tượng cần đến tai nghe như sinh viên, học sinh học ngoại ngữ; thính giả trong những buổi giảng, ca sĩ luyện âm…

Nhiều nghiên cứu y học cho thấy nếu trước kia chứng lão thính thường xuất hiện ở những người già trong độ tuổi trên 60 thì nay bắt đầu xuất hiện nhiều ở tuổi trẻ hơn. Đeo tai nghe liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày sẽ dẫn đến việc tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, ảnh hưởng không tốt đến tai như giảm thính lực, thậm chí bị điếc một số tần số hoặc điếc hẳn một tai. Khi tai bị ù hay giảm thính lực vĩnh viễn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

10723633-712408365495625-718519931-n_141

Bệnh nhân kiểm tra tai tại bệnh viện. Ảnh: Minh Hoàng.

Những hình thái tổn thương tai khi đeo tai nghe sai lầm:

– Suy nhược tế bào thần kinh tai trong: Nghe nhạc bằng tai nghe liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày, tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, gây mệt mỏi. Ốc tai phải chịu đựng tiếng ồn lâu, vì vậy khi người khác nói, bệnh nhân lùng bùng tai, nghe mà không hiểu, khả năng cảm nhận tiếng nói kém đi, mặc dù trên thính lực đồ cho thấy thính lực chưa thay đổi nhiều.

Ốc tai mỗi người có nhiều tế bào thính giác, trong đó nhiều tế bào chịu trách nhiệm nghe các tần số khác nhau. Âm thanh, tiếng ồn quá mạnh, kéo dài sẽ gây ra trạng thái kích thích liên tục, hậu quả là làm mệt thính giác. Nghe nhạc với cường độ lớn, hoặc nghe trước khi ngủ rồi ngủ quên luôn không những làm tổn thương cơ quan thính giác mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Một số trường hợp có những biểu hiện như ù tai hay chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, hoa mắt, mệt mỏi toàn thân… Đó là những biểu hiện của một chấn thương âm thanh cấp tính. Những biểu hiện này biến mất sau vài giờ nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày hoặc để lại di chứng về thính lực và thần kinh.

– Âm thanh càng lớn càng tác hại: Âm thanh trên 85db liên tục trên hai giờ một ngày và kéo dài nhiều tháng sẽ gây giảm thính lực. Hiện nay đa số máy nghe nhạc có tai nghe đều có công suất cực đại đến 120db đương nhiên sẽ gây tác hại nếu không sử dụng đúng cách.

Bệnh nhân có thể sẽ không cảm thấy giảm thính lực ngay, mà phải một thời gian sau mới nhận ra. Tiếng ồn hay âm nhạc quá lớn sẽ tổn thương trước tiên các tế bào thần kinh thính giác tần số cao, sau đó sẽ đến các tần số trung bình và thấp. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến sự nghe với tần số trung bình của tiếng nói bình thường.

Những tác hại khác:

– Mất tập trung, lái xe dễ gây tai nạn, khi đeo tai nghe lâu thì thần kinh mệt mỏi làm cho tai không thể phân tích nhận biết lời nói và dẫn đến trở nên phản ứng chậm chạp, tiếp thu kém.

– Đeo tai nghe khi ngủ sẽ kích thích não bộ làm việc liên tục. Lúc thức dậy sẽ mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ, mất tập trung, làm việc kém chất lượng, dễ gây tai nạn khi làm một nghề trên cao, điều khiển máy móc hay lái xe…

– Nút tai nghe thường gây ẩm, dễ sang chấn da cửa tai làm vi trùng, vi nấm phát triển, gây viêm ống tai ngoài do vi trùng, chàm ống tai, nhiễm nấm. Nếu đeo tai nghe không vừa vặn sẽ khiến cho ống tai và cửa tai bị ê nhức, đau đầu…

Cách hạn chế tác hại khi dùng tai nghe:

Không nên mở âm lượng quá to, điều chỉnh sao cho mức âm lượng không quá 60% so với mức cao nhất của thiết bị. Không đeo tai nghe quá lâu, không nên đeo tai nghe lúc ngủ dễ ngủ quên.

Dùng các loại tai nghe vừa khít với tai để không phải tăng volume do ảnh hưởng của âm thanh bên ngoài. Nếu không thì phải nhớ rằng: khi volume bật càng to thì thời gian nghe càng phải được rút ngắn tương ứng.

Nên dùng các loại tai nghe chụp cả tai. Loại tai nghe này sẽ ngăn không cho âm thanh bên ngoài làm ảnh hưởng đến sự “trung thực” của âm thanh nhưng lại rất đắt và cũng khá “cồng kềnh” nên không được ưu ái nhiều bởi các bạn trẻ. Tuy nhiên, đây là lựa chọn tốt nhất để hạn chế tác hại của việc đeo tai nghe. 

Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày:

– Nên nghe nhạc, học tập… bằng loa ngoài, nếu cần dùng tai nghe thì không nên vặn volume quá lớn.

– Không nên nghe trong môi trường quá ồn ào vì người nghe phải điều chỉnh âm thanh lớn hơn.

– Người có bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo tai nghe lâu dài vì làm cho viêm tai dễ tái phát.

– Chỉ nên đeo tai nghe khoảng dưới 2 giờ/ngày, đặc biệt lưu ý không nghe bằng tai nghe khi ngủ.

– Khi thấy có biểu hiện ù tai, nghe kém, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt… nên đi đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa Tai Mũi Họng với các trang thiết bị đo thính lực để khám và hướng dẫn điều trị hiệu quả.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh
Khoa Tai Mũi Họng BV Quốc tế Thành Đô

Rate this post