Ðừng để rượu tàn phá gan

Hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng rượu bia cao nhất thế giới. Điều này đã mang lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Theo thống kê từ các bệnh viện, số bệnh nhân phải nhập viện để điều trị bệnh xơ gan do uống rượu quá nhiều có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Khoảng 1/4 số bệnh nhân nằm tại Khoa Tiêu hóa gan mật là xơ gan. Rượu chính là thủ phạm gây xơ gan đứng hàng thứ 2 chỉ sau viêm gan siêu vi B.

Nguyên nhân gây bệnh gan

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh gan như: siêu vi, khiếm khuyết về di truyền, do thuốc, hóa chất… và nguyên nhân từ việc uống rượu hay được đề cập đến. Rượu bia là một trong nhiều chất độc hại mà con người tự nguyện tiêu thụ. Viêm gan do rượu là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan từ từ có thể gây tử vong, nhất là những người đã có bệnh gan từ trước. Ở những người bị viêm gan do siêu vi C, rượu có thể đẩy nhanh tiến trình xơ hóa trong gan. Những người đã bị xơ gan vì bất cứ lý do gì nếu uống rượu sẽ làm gan ngày càng suy yếu nhanh hơn và nặng hơn.

 

tình trạng tổn thương gan

 

Con đường dẫn đến bệnh gan do rượu?

Sau khi uống rượu bia, ethanol được hấp thu rất nhanh vào máu và chuyển hóa tại gan. Bản thân ethanol là chất không gây độc, nhưng tại các tế bào gan, chất này được chuyển hóa thành acetaldehyd, gây tổn thương màng tế bào và hoại tử tế bào gan dẫn tới viêm gan. Trong quá trình chuyển hóa ethanol sẽ tạo ra hydrogen thay thế các axit béo để tạo nguồn năng lượng, vì vậy axit béo thừa sẽ tích lũy tại gan gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ và tăng mỡ trong máu. Khi chuyển hóa ethanol sẽ tạo ra nhiều axit lactic, cùng với quá trình viêm và hoại tử tế bào gan, axit lactic sẽ kích thích phát triển tế bào xơ và sợi xơ dẫn tới xơ gan.

Biểu hiện của bệnh

Thông thường người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt, vì bệnh diễn biến âm thầm. Tuy nhiên ở từng giai đoạn và mức độ bệnh có thể biểu hiện khác nhau và khi đã có triệu chứng thì bệnh thường đã nặng.

Bệnh cấp tính: Người bệnh chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau tức vùng gan, sốt, vàng da, gan to, có thể xuất huyết dưới da hoặc tiêu hóa (nôn ra máu, đại tiện phân đen), nếu nặng có thể co giật hôn mê, men gan tăng cao, tỷ lệ prothrombin giảm. Bệnh nặng có thể tử vong.

Bệnh mạn tính: Thường gặp gan thoái hóa mỡ và xơ gan. Khi gan thoái hóa mỡ, người bệnh thường không có triệu chứng mà vô tình đi khám bệnh thấy gan to chắc hoặc đau tức vùng hạ sườn phải, men gan có thể tăng nhẹ. Đôi khi người bệnh đi khám vì chán ăn. Khi xơ gan: Thường sau một thời gian dài uống rượu, bia các biểu hiện của xơ gan xuất hiện: bụng trướng, chân phù, gan to chắc, lách to, các xét nghiệm về chức năng gan đều suy giảm.

Chẩn đoán và điều trị có khó?

Viêm gan do rượu không dễ chẩn đoán sớm vì nhiều người bệnh không đi khám bệnh do chủ quan hoặc diễn biến âm thầm của bệnh. Thỉnh thoảng triệu chứng có thể xấu hơn sau một thời gian ngừng uống rượu hơn là lúc đang uống rượu. Thông thường bệnh diễn tiến nặng sau thời gian uống rượu nhiều. Xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng là phương pháp giúp chẩn đoán bệnh.

Nếu phát hiện sớm mà không có bệnh gan kèm theo, việc điều trị cho kết quả tốt, còn khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn đã có xơ gan hoặc ung thư gan, việc điều trị rất khó khăn vì gan không còn khả năng hồi phục. Kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm.

Lời khuyên của thầy thuốc

Gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm của bệnh gan do uống rượu, nếu bệnh nhân ngừng uống rượu ở giai đoạn này bệnh có thể tự khỏi. Những người thường xuyên uống rượu nên đi xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm những tổn thương gan. Ở những người đã có bệnh gan (viêm gan b, C…) thì tuyệt đối không uống rượu bia vì rượu  sẽ làm cho tình trạng viêm gan nặng thêm, khả năng ung thư gan rất cao, kể cả khi đã cai rượu. Nếu là người hoàn toàn khỏe mạnh và có thói quen uống rượu, nên cố gắng giảm uống rượu mạnh và chuyển sang thưởng thức rượu vang và bia mỗi ngày nhưng nhớ là với số lượng vừa phải. Đối với người nghiện rượu cần sớm cai rượu, tăng cường ăn chất đạm như cá, thịt, trứng sữa, rau xanh và trái cây… Trái cây và rau quả chứa chất chống ôxy hóa, giúp sửa chữa các tế bào bị hư hỏng. Ăn nhiều những thực phẩm này là tốt nhất cho sức khỏe của bạn, và các nhà nghiên cứu khuyên chọn trái cây và rau quả có đủ “các màu sắc của cầu vồng”.

Có thể dùng thêm vitamin nhóm B nếu cần. Cuối cùng đừng uống rượu, bia là cách tốt nhất để phòng bệnh gan.

 

Một số nghiên cứu cho rằng rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen, làm giảm nồng độ folate, hoặc thay đổi methyl hóa DNA trong các tế bào. Nếu một người nặng 50kg uống thường xuyên trên 40g ethanol/ngày sẽ gây tổn thương gan mạn tính. Nếu uống với khối lượng lớn trên 160g có thể gây ngộ độc cấp tính, nếu nặng dẫn đến hôn mê, co giật và tử vong. Lượng ethanol trong 100ml rượu nặng (40 độ) là 40g; rượu vang (10 độ) là 10g; bia (4 độ) 4g.

BS. Trần Quang Nhật

Rate this post