Một số cách lựa chọn thực phẩm dưới đây sẽ giúp người bệnh ĐTĐ thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp ích trong việc điều trị căn bệnh này.
Chọn loại thực phẩm phù hợp
Mức độ tăng đường huyết tùy thuộc số lượng thực phẩm ăn vào, hàm lượng và loại chất bột đường, thành phần chất đạm, chất béo, chất xơ chứa trong thực phẩm, cách chế biến… Bệnh nhân ĐTĐ nên lựa chọn các loại thực phẩm cân đối về chất xơ và chất bột đường nhằm giúp đường huyết luôn ổn định sau ăn.
Người bệnh ĐTĐ nên chú ý đến chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI) để lựa chọn thức ăn phù hợp cho mình. Chỉ số GI được xếp theo bậc từ 0-100. Trong đó, nếu thực phẩm có chỉ số GI càng cao, thì khả năng làm tăng đường huyết sau ăn càng cao.
Với những thực phẩm có chỉ số GI thấp ≤ 55 thì người bệnh ĐTĐ sử dụng không cần hạn chế (như rau xanh, hoa quả không ngọt, nhiều chất xơ)… Nhóm thực phẩm này giúp hấp thu đường vào trong máu chậm hơn, nhờ vậy lượng đường huyết sau ăn tăng chậm và ổn định nên không gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Với những thực phẩm có chỉ số GI ≥ 70 được coi là loại thực phẩm có khả năng gây tăng đường huyết cao sau ăn, nên hạn chế sử dụng (như đường, các loại đồ uống có gas, hoa quả sấy khô…); những thực phẩm có chỉ số GI từ 56-69 là thực phẩm gây tăng đường huyết ở mức trung bình, chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải (như một số loại hoa quả…).
Một số loài cá như cá hồi giàu chất béo omega-3 có lợi cho tim mạch của người bệnh đái tháo đường.
Một số lưu ý khi lựa chọn thực phẩm
Thực đơn nên có nhiều loại đa dạng, thay đổi món thường xuyên. Số lượng thực phẩm vừa đủ với nhu cầu cơ thể, sao cho giữ cân nặng hợp lý.
Bữa ăn nên có nhiều thành phần thực phẩm như bột đường, đạm (thịt, cá, trứng, đậu hũ), chất béo và chất xơ (rau củ quả, đậu, ngô) giúp đường được hấp thu vào máu từ từ.
Nên bổ sung nhiều rau xanh trong khẩu phần ăn hằng ngày vì trong rau xanh có nhiều chất xơ, giúp ổn định chỉ số đường huyết.
Một số loài cá như cá hồi giàu chất béo omega-3 có lợi cho tim mạch của người bệnh ĐTĐ, giúp phòng ngừa các biến chứng ĐTĐ liên quan đến tim mạch. Các chất béo tốt như MUFA, PUFA, DHA không chỉ tốt cho hệ tim mạch mà còn rất tốt giúp chống lại các bệnh về huyết áp hoặc mỡ máu.
Nên sử dụng các loại sữa ít chất béo, có chứa đường palatinose và chất xơ hòa tan, không làm đường huyết tăng nhanh sau khi ăn.
Một số loại thức ăn đặc biệt mà người bệnh ĐTĐ nên tránh bao gồm các loại protein có hại như các loại thịt đóng hộp, các loại thức ăn chế biến sẵn giàu đạm, muối và đường. Tương tự với các loại trái cây đóng hộp cũng là thức ăn mà người bệnh tiểu đường nên tuyệt đối tránh. Các loại thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên hay thịt xông khói cũng khiến đường huyết của người bệnh không ổn định trong mức an toàn.
Người bệnh ĐTĐ týp 2 cần hiểu rõ về bệnh của mình cũng như chú ý đến thực phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn mỗi ngày để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh ĐTĐ và cách chọn lựa thực phẩm phù hợp cũng giúp bạn kiểm soát tốt căn bệnh và giảm được nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.
BS. Hồ Thị Nam Huế