Đỗ Thị Hoà (Hải Phòng)
Con bạn bị tiêu chảy cấp (nếu tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần gọi tiêu chảy mạn). Hậu quả của tiêu chảy thường dẫn đến suy dinh dưỡng do trẻ biếng ăn, hấp thu các chất dinh dưỡng giảm. Thông thường, khi bị tiêu chảy, có trẻ không thích ăn đặc nhưng lại muốn bú mẹ, chứng tỏ trẻ khát và vẫn thèm ăn. Ở tuổi này, sữa mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng giúp trẻ tăng sức đề kháng chống đỡ bệnh tật, cải thiện được tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên, bạn cần cho trẻ ăn thêm bột cháo có đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất). Sử dụng những thực phẩm giàu protein- năng lượng và vi chất dinh dưỡng như thịt gà, thịt lợn nạc, thay mỡ động vật bằng dầu thực vật, giảm chất xơ bằng cách đun nhừ lấy nước rau tươi hoặc cà rốt nghiền nát (bỏ lõi) quấy lẫn với bột cháo. Nên chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, số lượng tăng dần và nấu loãng hơn bình thường. Cho bé ăn thêm quả chín như chuối, táo, hồng xiêm… Bạn có thể cho bé uống men vi sinh để hỗ trợ điều trị tiêu chảy, kích thích trẻ ăn ngon miệng, tăng hấp thu các chất dinh dưỡng để trẻ không bị sụt cân. Theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới thì hiện tại cân nặng của bé thấp hơn cân nặng trung bình (8,7kg) nhưng chưa bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu để tiêu chảy kéo dài, trẻ sẽ dễ suy dinh dưỡng.
PGS.BS. Đào Ngọc Diễn