Nguyễn Thị Lý (Bắc Ninh)
Mụn cóc hay dân gian còn gọi là hạt cơm thường mọc trên da bàn tay hay bàn chân, do virut Papilloma ở người (HPV) gây ra. Về điều trị mụn cóc không khó, tuy nhiên, bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để xác định rõ ràng xem đó có phải là mụn cóc hay không.
Nếu đúng là mụn cóc, có thể bôi thì salicylic acid nồng độ cao. Thường có hai dạng sản phẩm để điều trị mụn cóc là tấm lót giày acid salicylic hoặc một chai dung dịch axit salicylic đậm đặc dùng để xịt lên chỗ mọc mụn. Sau đó loại bỏ các tế bào da chết trên bề mặt bằng viên đá bọt hoặc bằng tấm ván nhám. Biện pháp này phải mất khoảng 12 tuần để loại bỏ mụn cóc “cứng đầu”. Hoặc có thể sử dụng kem bôi tại chỗ imiquimod giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại virut mụn cóc.
Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật lạnh hoặc phương pháp áp lạnh cũng có thể áp dụng để điều trị mụn cóc nếu biện pháp trên thất bại. Liệu pháp làm lạnh trong điều trị mụn cóc là một kỹ thuật sử dụng một hoá chất rất lạnh để làm đông cứng mụn cóc từ đó phá huỷ các tế bào da ở đây và loại bỏ mụn cóc. Đây là một phương pháp phổ biến trong điều trị mụn cóc, có thể được thực hiện tại phòng khám bác sĩ (áp lạnh nitơ). Việc làm đông cứng vùng da chỗ mụn cóc sẽ phá huỷ nơi trú ẩn, khiến những tế bào da bị tổn thương, những mụn cóc sần sùi cũng như virut đều bị tiêu diệt. Phương pháp điều trị này chỉ kéo dài vài phút và kết quả sẽ được thấy rõ trong vòng 1 – 2 tuần…
Để giảm nguy cơ bị mụn cóc, hãy đi dép khi bạn sử dụng phòng tắm công cộng hoặc phòng tập thể dục… Cùng với đó, bạn nên sử dụng giày thoáng và thay đổi tất thường xuyên để giữ chân khô ráo.
Thường xuyên chà rửa bàn chân bằng xà phòng diệt khuẩn. Không mang chung giày dép với người đang bị mụn cóc.
BS. Trần Minh Thiệu