Điều trị dự phòng hen ở trẻ em

Trước đây người ta cho rằng, hen phế quản đơn thuần là tình trạng khó thở do co thắt các nhánh phế quản. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh được vai trò hết sức quan trọng của yếu tố viêm trong cơ chế bệnh sinh của hen, từ đó quan điểm điều trị bệnh cũng đã có những thay đổi về căn bản, tập trung chủ yếu vào điều trị dự phòng với các thuốc có tác dụng chống viêm. 

Bên cạnh hiệu quả điều trị, mức độ an toàn của thuốc cũng là một vấn đề được đặt lên hàng đầu vì cơ thể trẻ em thường nhạy cảm hơn với các độc tính của thuốc. Dưới đây là 3 nhóm thuốc chủ yếu được dùng trong điều trị dự phòng hen ở trẻ em.

Điều trị dự phòng hen ở trẻ em 1
Điều trị dự phòng hen ở trẻ em 2

Corticoid dạng hít

Trong vài thập kỷ gần đây, các loại thuốc corticoid dạng hít như budesonide, fluticasone, beclomethasone… đã được sử dụng rộng rãi và khẳng định được vai trò then chốt trong chiến lược điều trị dự phòng hen phế quản ở cả trẻ em và người lớn. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng được thực hiện để kiểm chứng hiệu quả điều trị và tính an toàn của các thuốc này đối với hen ở trẻ em. Kết quả thu được của hầu hết các nghiên cứu trên đều cho thấy, khi được sử dụng đúng liều lượng, đúng cách phun hít và tuân thủ điều trị nghiêm túc, corticoid dạng hít giúp giảm rõ rệt các triệu chứng hen, giảm số đợt hen cấp, nhu cầu sử dụng thuốc cắt cơn hen và giúp cải thiện chức năng phổi. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng khẳng định, corticoid dạng hít là an toàn với trẻ em ở liều điều trị thông thường, kể cả khi sử dụng kéo dài. Tuy nhiên, những nghi ngại về tính an toàn của corticoid hít đối với trẻ vẫn tồn tại khi có một số bằng chứng cho thấy, sử dụng corticoid hít liều cao và kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, mật độ xương và chức năng tuyến thượng thận của trẻ, mặc dù lợi ích của thuốc đem lại khi hen được kiểm soát tốt có thể lớn hơn so với các nguy cơ của thuốc. Để giảm thiểu những nguy cơ do corticoid hít gây ra, cần xác định liều thấp nhất của thuốc đủ hiệu quả kiểm soát hen với mỗi trẻ. Ngoài ra, khi đã đạt được kiểm soát hen trong ít nhất 3 tháng liên tục, cần cân nhắc giảm bậc điều trị bằng cách giảm liều corticoid hít đến mức thích hợp để giảm nguy cơ tác dụng phụ và giá thành điều trị.

Gần đây, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm những loại corticoid hít thế hệ mới, hiệu quả và an toàn hơn với trẻ em. Ciclesonide là một ví dụ, với công thức phân tử nhỏ, thuốc có thể lắng đọng được ở các đường thở ngoại biên và đem lại hiệu quả điều trị cao hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy, ciclesonide ít ảnh hưởng hơn đến sự phát triển chiều dài xương của trẻ so với một số corticoid hít cũ.

Montelukast

Montelukast là một thuốc có tác dụng ức chế leukotrien, nhóm hoạt chất trung gian có tham gia vào nhiều khâu trong phản ứng viêm niêm mạc đường thở, gây co thắt và tăng tính phản ứng phế quản. Các loại leukotriene được sản xuất với số lượng lớn ở niêm mạc đường hô hấp của bệnh nhân hen, kể cả những người đang được điều trị với glucocorticoid đường hít. Trước những lo ngại về nguy cơ tác dụng phụ của corticoid hít đối với trẻ em, chiến lược điều trị hen ở nhóm tuổi này đã có những đổi mới quan trọng trong thời gian gần đây, với việc mở rộng dùng những thuốc kiểm soát hen không chứa corticoid và montelukast là một trong những thuốc này. Với các bằng chứng y học có được đến nay, montelukast được chỉ định dùng đơn trị liệu trong điều trị dự phòng các trường hợp hen nhẹ hoặc phối hợp với corticoid hít trong những trường hợp hen không kiểm soát được bằng corticoid hít đơn thuần ở trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi trở lên, đặc biệt các trường hợp hen có kết hợp với viêm mũi dị ứng. Montelukast có thể là một sự lựa chọn thích hợp ở trẻ em vì có độ an toàn khá cao, dùng đường uống nên dễ sử dụng và có hàm lượng khá linh hoạt, phù hợp với các nhóm tuổi khác nhau.

Các thuốc cường bêta 2 tác dụng kéo dài

Có hai loại thuốc cường bêta 2 tác dụng kéo dài dạng hít được sử dụng trong điều trị dự phòng hen phế quản là formoterol và salmeterol, trong đó, formoterol có tác dụng giãn phế quản khởi phát khá nhanh so với salmeterol. Hiện nay, formoterol được cấp phép sử dụng trong điều trị dự phòng hen ở trẻ em trên 6 tuổi và với salmeterol là ở trẻ trên 4 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, với trường hợp hen ở trẻ em không kiểm soát được bằng corticoid hít đơn thuần, việc phối hợp thêm các thuốc cường bêta 2 kéo dài đem lại hiệu quả kiểm soát hen tốt hơn so với việc tăng gấp đôi liều corticoid hít hoặc phối hợp thêm các thuốc khác. Formoterol và salmeterol nên được dùng phối hợp với corticoid hít vì sự phối hợp này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát hen mà còn có thể giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ và “nhờn thuốc” của hai loại thuốc trên khi sử dụng kéo dài. 

BS. Nguyễn Hữu Trường

Rate this post