Thận là một cơ quan có kích thước khá nhỏ (9-11cm) nhưng lại đảm nhiệm một số chức năng rất quan trọng trên cơ thể con người nên khi thận bị “bệnh” có thể gây ra rất nhiều vấn đề nan giải. Vậy dấu hiệu nào có thể nhận biết sớm bệnh thận.
Vai trò của thận trong cơ thể
Một quả thận được tạo thành từ hàng triệu đơn vị được gọi là lọc cầu thận, thông qua đó, máu trong cơ thể sẽ được thanh lọc các chất thải được đào thải ra ngoài qua đường tiểu và bổ sung các thành phần quan trọng như các tế bào máu và albumin glucose và amino axit được tái hấp thu vào cơ thể. Trong thực tế, nó đảm nhiệm vị trí “thùng rác” của cơ thể. Thận cũng thực hiện một số chức năng tổng hợp như sản xuất ra erythropoietin (EPO) – một hormon điều khiển sự tạo hồng cầu. Ngoài ra, nó còn tổng hợp vitamin D, tạo ra calcitriol (một trong những chất chuyển hóa có hoạt tính của vitamin D3), điều tiết lượng nước trong cơ thể và kiểm soát huyết áp với sự giúp đỡ của các hormon. Thận giúp giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải – nó là một cơ quan vô cùng quan trọng với cơ thể…
Biểu hiện của suy thận.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh thận
Các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp… gây tổn hại các cầu thận dẫn đến sự bài tiết bất thường của các tế bào máu và albumin, kết quả là việc giảm hình thành nước tiểu; Các bệnh như nhiễm khuẩn hoặc dị ứng và một số loại thuốc như thuốc giảm đau làm hỏng các ống dẫn nước tiểu (ống lượn gần và ống lượn xa) của cầu thận; Một nguyên nhân khác của suy thận là sỏi, gây trở ngại và gây áp lực cho hệ thống bài tiết và thận. Sỏi thận cũng có thể gây nhiễm khuẩn thận tái phát, là một yếu tố dẫn đến nguy cơ suy thận; Nam giới cao tuổi có nguy cơ bị phì đại tuyến tiền liệt gây tắc nghẽn đường ra của nước tiểu…
Dấu hiệu nhận biết suy thận mạn
Da: da của bệnh nhân suy thận mạn thường có màu xám nhợt do thiếu máu và ứ đọng các sản phẩm chuyển hóa, có thể có ngứa.
Phù: suy thận mạn do viêm cầu thận mạn thường có phù, ngược lại suy thận mạn do viêm thận-bể thận mạn thường không có phù, ở giai đoạn cuối có thể có phù do suy tim hay suy dinh dưỡng.
Thiếu máu là triệu chứng hằng định của suy thận mạn, mức độ thiếu máu tương ứng với mức độ nặng của suy thận mạn, suy thận càng nặng thiếu máu càng nhiều. Đặc điểm của thiếu máu là chỉ thiếu dòng hồng cầu, số lượng bạch cầu và tiểu cầu bình thường.
Xuất huyết: có thể gặp chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hóa. Nếu có chảy máu đường tiêu hóa thì làm suy giảm chức năng thận nhanh.
Tiêu hóa: giai đoạn đầu bệnh nhân thường chán ăn, buồn nôn và nôn, giai đoạn cuối có thể tiêu chảy, loét niêm mạc miệng và đường tiêu hóa.
Tim mạch: biến chứng tim mạch gặp khoảng 50-80% số bệnh nhân bị suy thận mạn. Thường gặp các biến chứng như tăng huyết áp, suy tim ứ huyết, vữa xơ động mạch, bệnh cơ tim và van tim, viêm màng trong tim, các rối loạn nhịp tim; Suy tim ứ huyết: là hậu quả của quá tải dịch, tăng huyết áp, nhiễm độc cơ tim, thiếu máu, và rối loạn điện giải.
Thần kinh cơ: Chuột rút do giảm natri và calci máu; Yếu cơ, lắng đọng calci trong cơ (gặp ở những bệnh nhân lọc máu chu kỳ); Viêm thần kinh ngoại vi, biểu hiện dị cảm, cảm giác kiến bò, bỏng rát ở chân, sau lọc máu các triệu chứng này hết nhanh; Hôn mê do ure máu cao có thể xuất hiện ở giai đoạn cuối của suy thận. Bệnh nhân thờ ơ, ngủ gà, có thể co giật, rối loạn tâm thần rồi đi vào hôn mê.
Tổn thương xương: trong suy thận mạn được gọi chung là loạn dưỡng xương do suy thận. Có hai kiểu bệnh xương là viêm xương xơ và nhuyễn xương. Loạn dưỡng xương do thận là hậu quả của giảm canxi máu, tăng phosphat máu, cường chức năng tuyến cận giáp thứ phát… Biểu hiện lâm sàng là đau xương, xuất hiện từ từ, có thể rất nhẹ cho đến nặng. Đau thường mơ hồ, bệnh nhân không chỉ được chính xác vị trí đau, cảm giác đau sâu. Đau thường ở vùng thắt lưng cùng, khớp háng, khớp gối và hai cẳng chân.
Khi có một trong các biểu hiện trên, bạn nên đến khám, xét nghiệm (xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu…) và các xét nghiệm cần thiết khác để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng vì nếu để muộn, việc điều trị ghép thận sẽ vô cùng tốn kém.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để giúp duy trì thận ở trạng thái khỏe mạnh, chúng ta cần uống đủ nước (1,5 – 2lit/ ngày); Tập thể dục thể thao mỗi ngày; Tránh dùng thuốc không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận. Nếu bị bệnh thận mạn tính vô cùng nguy hiểm, khi tiến tới giai đoạn cuối bệnh thận, thậm chí bạn phải áp dụng các phương pháp như thay thận hoặc chạy thận nhân tạo. Vì vậy, hãy giữ cho quả thận luôn khoẻ bằng một lối sống lành mạnh. Cụ thể: Có chế độ ăn uống hợp lý, không bia, không rượu, không thuốc lá, ăn ít thịt, giảm mỡ và tăng cường rau quả; Tránh lao động quá nặng nhọc; Phòng tăng huyết áp, nếu tăng huyết áp phải điều trị và kiểm soát huyết áp; Điều trị sỏi tiết niệu và hạn chế muối; Đề phòng nhiễm khuẩn niệu và điều trị kịp thời viêm nhiễm tiết niệu.
BS. Vũ Ngọc Anh