Trào ngược dạ dày – thực quản là một bệnh lý thường gặp, ngày càng có xu hướng tăng trong cộng đồng và có tính chất mạn tính. Trong nhiều trường hợp, bệnh gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống và chi phí điều trị lớn, thời gian điều trị kéo dài.
Điều gì khiến trào ngược dịch vị vào thực quản?
Thức ăn và dịch vị khi trào ngược từ dạ dày vào thực quản là một hiện tượng sinh lý bình thường, gặp ở nhiều người và không gây tổn thương cũng như không có biểu hiện triệu chứng (DD-TQ). Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản xảy ra khi bệnh nhân có các triệu chứng và tổn thương thực thể tại thực quản và một số nơi khác như hầu họng, thanh quản, đường hô hấp trên… do acid dịch vị gây ra.
Hình ảnh bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản.
Hiện tượng trào ngược dịch vị vào thực quản có nguyên nhân do giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới (chỗ tiếp giáp với dạ dày), hoặc do giãn thoáng qua của cơ thắt này dẫn đến việc dịch vị trào ngược lên phía trên. Rối loạn co bóp hay sự mất đồng bộ của hoạt động DD-TQ, thoát vị khe, giảm hoặc mất nhu động thực quản trong một số bệnh như xơ cứng bì, ung thư thực quản… cũng làm cho hiện tượng trào ngược xảy ra. Ngoài ra, còn có một số yếu tố như béo phì, tăng canxi máu, sử dụng các thuốc như prednisolon kéo dài, người đang được nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày… cũng có thể làm tăng nguy cơ của trào ngược dạ dày thực quản. Người bị trào ngược ban đêm (khi nằm mới bị) cũng nặng hơn người bị ban ngày do khi ngủ, nước bọt không được tiết ra và bệnh nhân không nuốt nên acid dịch vị tiếp xúc lâu hơn với niêm mạc thực quản do vậy gây tổn thương nhanh và nhiều hơn.
Biểu hiện thế nào?
Khi dịch vị trào ngược lên phía trên sẽ gây các triệu chứng như ợ nóng, là cảm giác nóng bỏng vùng thượng vị và sau xương ức, lan dọc lên phía trên, xuất hiện nhiều sau khi ăn hoặc khi bệnh nhân nằm và ợ chua, là cảm giác chua khi dịch vị trào lên miệng sau khi bệnh nhân ợ ra, nuốt khó hoặc nuốt đau (khi có loét hoặc chít hẹp thực quản). Bệnh nhân cũng có thể có các biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày như đau vùng thượng vị, bụng trướng, ăn uống khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy. Trong nhiều trường hợp, bệnh trào ngược DD-TQ lại có triệu chứng ở ngoài thực quản như ho khan kéo dài, khàn tiếng, đau họng hoặc nuốt vướng hay cảm giác dị cảm họng, rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, hiện tượng trào ngược cũng là yếu tố khởi phát cơn hen phế quản, đợt cấp viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc gây viêm phổi do dịch vị ở những bệnh nhân bị rối loạn nuốt (người già, người bị tai biến mạch máu não) với những biểu hiện như đau ngực, sốt, ho và khó thở… Việc xác định xem bệnh nhân có bị GERD hay không chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng như đã mô tả ở trên và có thể tiến hành nội soi họng – thanh quản hoặc nội soi thực quản – dạ dày để tìm kiếm tổn thương.
Bệnh có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng như loét, chít hẹp, ung thư hóa thực quản hoặc là nguyên nhân khởi phát cơn hen phế quản, đợt cấp COPD…
Điều trị ra sao?
Điều trị trào ngược DD-TQ chủ yếu là dùng các thuốc như thuốc kháng acid như gastropulgite, maalox… có chứa magne và aluminum. Các thuốc này có tác dụng tăng pH của dạ dày lên nhanh, vì vậy làm giảm nhanh triệu chứng nhưng thời gian tác dụng ngắn (chỉ 1 – 2 giờ) và có thể gây tiêu chảy với thuốc có chứa magne và táo bón với thuốc có chứa aluminum. Thuốc giảm tiết dịch vị loại ức chế H2 cũng có tác dụng nhanh nhưng ít hiệu quả đối với viêm thực quản nặng do trào ngược và tỷ lệ tái phát cao. Hiện nay, thuốc giảm tiết dịch vị tốt nhất đang được khuyến cáo sử dụng là các chất ức chế bơm proton (PPIs) như omeprazole, pantoprazole… và đặc biệt hiệu quả là esomeprazole. Các thuốc này giảm tiết dịch vị tốt, ít tác dụng phụ và hiệu quả điều trị cao. Phẫu thuật cũng được chỉ định trong một số trường hợp như điều trị bằng thuốc không kết quả; đã có biến chứng tại thực quản như viêm thực quản độ III, độ IV, thực quản Barrett’s; chảy máu hoặc loét, chít hẹp thực quản; thoát vị khe…
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng bệnh, cần thay đổi lối sống, tránh căng thẳng và áp lực trong công việc; tránh thức ăn nhiều mỡ hoặc các chất sinh hơi gây trướng bụng khó tiêu (như đồ uống có gas); bỏ rượu, thuốc lá; giảm cân và tăng cường vận động; nằm đầu cao. Tuy nhiên các biện pháp này chỉ có tác dụng với những bệnh nhân bị GERD ở giai đoạn bệnh còn nhẹ.
TS. BS. Vũ Đức Định
Tần suất mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản trên thế giới vào khoảng 5 – 25% trong đó tỷ lệ mắc cao nhất ở các nước như Mỹ, Anh, Bỉ, Tây Ban Nha và tỷ lệ này thấp hơn ở các nước châu Á mặc dù lượng bệnh nhân GERD ở các nước này vẫn đang có xu hướng tăng nhanh.