Dị ứng phấn hoa

Cứ mỗi mùa xuân về, khi hoa cỏ trăm nhau đua nở, trong lúc những người khác được tận hưởng khí trời vui tươi và ấm áp của những ngày Tết rộn ràng, bạn lại khổ sở vì những triệu chứng quen thuộc: mắt chảy nước, mũi sụt sịt và những cơn hắt hơi ngoài tầm kiểm soát.

Khác với bệnh cảm thông thường, những triệu chứng này lặp đi lặp lại đều đặn hàng năm mỗi khi mùa xuân (hoặc mùa hè) chạm ngõ. Chúng chính là biểu hiện của các chứng dị ứng theo mùa, mà phổ biến nhất chính là dị ứng phấn hoa.

Nguyên nhân

Cứ vào một mùa nhất định trong năm, một số loài thực vật – bao gồm nhiều loại cây có hoa, cỏ, và cả cây gỗ lớn – phóng vào không khí vô số những hạt nhỏ và nhẹ gọi là phấn hoa. Đây là một phần của hiện tượng thụ phấn – cách thức tồn tại và sinh sản của những loài cây này.

Hơn 25 triệu người dân Mỹ bị dị ứng phấn hoa

 

Thống kê cho thấy hơn 25 triệu người dân Mỹ bị dị ứng phấn hoa. Một số người dị ứng đối với phấn của các loài hoa và cây gỗ, với các triệu chứng xuất hiện vào mùa xuân. Vài người khác chỉ bị dị ứng với cỏ, với các triệu chứng diễn ra vào mùa hè. Một số ít người có triệu chứng dị ứng đối với cỏ dại, thường chỉ xảy ra vào mùa thu.

Triệu chứng

Nếu một người bị dị ứng phấn hoa ra ngoài vào khoảng thời gian có nhiều phấn hoa trong tự nhiên, cơ thể của họ sẽ có những phản ứng khó chịu như thể bị xâm nhập bởi vật thể lạ. Hệ miễn dịch của họ sẽ sản sinh nhiều histamine để chống lại tình trạng đó. Khi đó, họ sẽ có những biểu hiện như sau:

– Ngứa rát cổ họng.

– Mắt chảy nước, ngứa và đỏ.

– Mũi sụt sịt hoặc chảy mũi bất thường.

– Hắt hơi.

– Khò khè hoặc khó thở.

– Các cơn ho liên tục.

Dị ứng phấn hoa

Điều trị

Tình trạng dị ứng phấn hoa cần được xem xét và chẩn đoán bởi bác sĩ. Các bác sĩ có chuyên môn về dị ứng sẽ thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đánh giá dị ứng trên da bạn để xác định chính xác nguyên nhân gây dị ứng. Tùy vào tình trạng và mức độ dị ứng, sau đây là một vài biện pháp điều trị mà bác sĩ có thể chỉ định cho chúng ta:

Thuốc không kê đơn: các loại thuốc kháng histamine có tác dụng điều chỉnh lượng histamine được sản sinh trong cơ thể con người. Các loại thuốc thông mũi, thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng có thể giúp gia giảm tình trạng nghẹt mũi, chảy mũi và một số triệu chứng khác.

Thuốc kê đơn: nếu những loại thuốc trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê toa những loại thuốc chống dị ứng mạnh hơn. Một số loại thuốc trong đây có tác dụng kìm hãm quá trình sản sinh histamine gây dị ứng. Một số loại thuốc khác chuyên dụng để điều trị dị ứng do cỏ.

Tiêm thuốc: nếu việc uống thuốc không giúp gia giảm tình trạng dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định việc tiêm thuốc với loại thuốc và liều lượng phù hợp với loại dị ứng mà bạn mắc phải.

 

Các loại cây an toàn với người bị dị ứng

Nếu trong nhà bạn có người bị dị ứng phấn hoa, hãy lưu ý điều này trong việc chưng hoa trong nhà hoặc bố trí thực vật trong sân vườn. Bạn nên ưu tiên những loài thực vật không sinh sản bằng hiện tượng thụ phấn, để mọi người trong gia đình có thể thưởng thức và thụ hưởng những ngày xuân vui tươi một cách trọn vẹn nhất.

Sau đây là một vài loại hoa và cây không thụ phấn và an toàn cho người bị dị ứng phấn hoa mà chúng ta có thể thoải mái chưng hoặc trồng trong vườn nhà mình:

Hoa: hoa hồng, thu hải đường, xương rồng, tulip, ông lão (clematis), nghệ tây, thủy tiên, phong lữ, ngọc trâm, móng tay, hoa diên vĩ (iris), huệ tây, dừa cạn, dạ yến thảo, xô đỏ, vân anh, cúc ngũ sắc…

Cây bụi: đỗ quyên, dâm bụt, cẩm tú cầu, cây hoàng dương (cần được cắt tỉa thường xuyên)…

Cỏ: giống cỏ St. Augustine.

ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

Rate this post