Đẻ tại nhà, bé 3 ngày tuổi bị uốn ván rốn

 

Cháu S nhập viện trong tình trạng bú kém, quấy khóc, thở yếu, da tím tái. Bố cháu S cho biết, do vợ  bị vỡ ối, cơn chuyển dạ nhanh, nhà lại xa trạm y tế nên đã sinh cháu S tại nhà, cháu S được cắt rốn bằng kéo và buộc bằng chỉ “khâu quần áo” sẵn có của gia đình. Sau sinh 2 ngày cháu có biểu hiện xấu về sức khỏe nên gia đình đã đưa đến BVĐK tỉnh để khám và điều trị.

Sau khi dùng kéo cắt rốn, gia đình đã dùng chỉ khâu quần áo để buộc rốn cho cháu S (ảnh BV)

BS. CKI Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, cháu S phải đặt ống nội khí quản và đang được  chăm sóc đặc biệt tại Phòng Đơn nguyên sơ sinh của Khoa Nhi. BS. Hải cũng cho biết thêm, nguyên nhân của bệnh uốn ván rốn là do dùng dao, kéo không vô khuẩn để cắt rốn, bông băng, chỉ chưa tiệt khuẩn để buộc rốn. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh sau đẻ không hợp vệ sinh (như thay băng rốn, nước tắm không sạch) cũng gây nhiễm khuẩn rốn, trong đó có vi khuẩn uốn ván.

Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Thanh Hải, đặt ống nội khí quản cho bệnh nhi S (ảnh BV)

Vì vậy, BS.Hải khuyến cáo, các bà mẹ không nên sinh đẻ tại nhà, đề phòng các biến chứng có thẻ xảy ra cho mẹ và con (đặc biệt là trẻ sơ sinh sẽ được chăm sóc rốn vô trùng, đúng kỹ thuật). Trường hợp không may bị đẻ rơi thì không được dùng liềm, mảnh sành, que nứa, dao, kéo bẩn để cắt rốn cho trẻ sơ sinh, mà phải luộc kỹ dao kéo, sau đó dùng chỉ và bông băng đã diệt khuẩn để băng rốn. Những ngày sau, chú ý giữ rốn sạch cho đến khi rốn rụng và khô sẹo. Khi thấy rốn ướt, có mùi hôi hoặc dịch mủ chảy ra thì chứng tỏ rốn đã bị nhiễm khuẩn, phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý. để phòng tránh uốn ván, người mẹ khi có thai phải tiêm phòng uốn ván 2 mũi, mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt, mũi 2 tiêm sau đó ít nhất là 30 ngày và trước khi đẻ 15 ngày.

 

Nguyễn Đức

Rate this post