Hiện nay, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết người ta phải sử dụng biện pháp tổng hợp để diệt muỗi Ae.aegypti ( muỗi vằn) là trung gian truyền bệnh chính. Bên cạnh việc phun hóa chất để diệt muỗi trưởng thành ở nơi có dịch đang xảy ra phải liên tục diệt các giai đoạn trước trưởng thành, bao gồm trứng, bọ gậy và lăng quăng. Để làm tốt công việc này đòi hỏi phải hiểu đặc điểm của ổ bọ gậy loài muỗi nguy hiểm này.
Như nhiều người đã biết, muỗi Ae.aegypti. được coi là loài muỗi sống gần người điển hình, bởi chúng có hai đặc điểm:
Thứ nhất: Muỗi trưởng thành thích sống đốt máu người vào ban ngày, nhất là vào lúc sáng sớm và buổi chiều tối; trú đậu chủ yếu trong nhà, trên chăn màn quần áo, ít đâu trên tường vách.
Thứ hai: Ổ bọ gậy do con người tạo ra ở xung quanh nhà hay trong nhà đó là các dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong các gia đình (để ăn, để rửa), như bể, chum vại phuy;lọ hoa, bể cảnh;bát chống kiến, khay hứng nước tủ lạnh, máng nước, các dụng cụ phế thải như lốp xe hỏng, bát võ, vỏ chai ,lọ vỡ v.v. Ở nhiều nơi, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt chiếm trên 70% tổng số dụng cụ chứa nước. Ở đồng bằng Nam bộ, do thiếu nước sạch, trong mỗi gia đình trung bình có 5 – 6 dụng cụ chứa nước sinh hoạt, một số nhà có đến vài chục cái.
Các loại ổ bọ gậy của muỗi Ae.aegypti có ba đặc điểm chung là: Thành cứng, diện tích bề mặt nhỏ và mức nước thường xuyên thay đổi.Ba đặc điểm này do tập tính đẻ trứng của muỗi quyết định Khi đẻ trứng muỗi cái đậu trên thành của các dụng cụ chứa nước.Chúng đẻ từng quả một,vào nơi ẩm ướt, ở gần sát mép nước.( cách mép nước khoảng 1-2 cm)Trứng bám rất chắc vào thành dụng cụ chứa nước, đòi hỏi phải có thời gian nằm trên cạn,, tốt nhất là sau hơn 1 giờ..Nếu trứng sau khi đẻ sớm bị chìm trong nước thì đa số chúng bị đuối nước và tỉ lệ nở thấp.
Bể xây có diện tích bề mặt nhỏ hơn 4m2, là ổ bọ gậy muỗi Ae. aegypti
Do đặc đỉểm của ổ bọ gậy phải có thành cứng mà các thủy vực ao hồ, cống rãnh, đồng ruộng, mương máng, vũng nước .v.v.. không phải là ổ bọ gậy muỗi Ae.aegypti.
Cần nói thêm rằng, bọ gậy muỗi Ae.aegypti không chỉ sống trong nước sạch mà sống cả trong nước bẩn nữa, ví dụ chúng có thể sống trong nước ở các dụng cụ phế thải, lọ hoa để lâu ngày đã quá bẩn. Chúng tôi đã nuôi bọ gậy muỗi Ae.aegypti trong nước cống rãnh, chúng phát triển rất tốt, không cần cho ăn. Cho nên khi thay nước ở các dụng cụ chứa nước có bọ gậy chú ý, tránh đổ trực tiếp xuống cống rãnh..Nếu không, bọ gậy vẫn phát triển tốt và vô tình việc thay nước không có giá trị gì.
Còn diện tích bề mặt của dụng cụ chứa nước nhỏ, thường dưới 4m2 (nếu là hình chữ nhật thì chiều dài dưới 2m, nếu là hình tròn thì đường kính dưới 2m) để cho mức nước thường xuyên thay đổi, Mức nước thường xuyên thay đổi giúp cho trứng muỗi Ae.aegypti. nở được.
Có hai cách giúp muỗi .Ae.aegypti tìm ra nơi đẻ thích hợp cho mình Đối với những ổ đã có sẵn bọ gậy và lăng quăng, muỗi dễ dàng tìm thấy nhờ bọ gậy và quăng tiết ra ngoại tiết tố (feromon), hấp dẫn muỗi đến tiệp tục đến đẻ vào. Người ta đã làm thí nghiệm, lấy hai loại nước, đã nuôi bọ gậy và không nuôi bọ gậy, Kết quả là, muỗi Ae.aegypti. đẻ vào nước đã nuôi bọ gậy nhiều hơn hẳn vào nước chưa nuôi bọ gậy.
Đối với các dụng cụ chứa nước chưa có bọ gậy, lăng quăng sống bao giờ,, rất có thể chúng lựa chọn được bằng cách phát ra siêu âm.
Muỗi đậu trên thành dụng cụ chứa nước phát siêu âm ra xung quanh mình rồi nhận siêu âm phản hồi. Nếu trong dụng cụ chúng nhận được siêu âm phản hồi từ mọi phía điều này có nghĩa là kích thước của dụng cụ chứa nước phù hợp cho muỗi đẻ, còn không nhận được siêu âm phản hồi từ mọi phía thì dụng cụ chứa không phù hợp cho muỗi đẻ.
Bể xây có diện tích bề mặt trên 4m2, không có bọ gậy muỗi Ae. aegypti
Rõ ràng rằng tập quán sử dụng dụng cụ chứa nước của con người đã tạo ra ổ bọ gậy muỗi Ae.aegypti. Cho nên muốn giảm số lượng ổ bọ gậy của loài muỗi này con người con người cần thay đổi tập quán Đến nay đã có bệnh do muỗi truyền ở nước ta đã giảm hẳn do thay đổi tập quán của con người, đó là bệnh Giun chỉ.. Cách đây khoảng 50-60 năm, ở một số nơi thuộc vùng đồng bằng miền Bắc, tỉ lệ người mắc bệnh Giun chỉ trên 10%, do tập quán thả bèo cái để nuôi lợn, tạo ra ổ bọ gậy của muỗi Mansonia annulifera là trung gian truyền bệnh. Ngày nay không ai thả bèo để nuôi lợn nữa, ao chuôm được lấp đi hay thả cá, nên muỗi M. annulifera giảm hẳn và bệnh Giun chỉ hầu như không còn gặp ở miền Bắc nước ta.
Để giảm bớt ổ bọ gậy muỗi .Ae.aegypti, con người cần thay đổi tập quán trữ nước ,không sử dụng dụng cụ chứa nước .có diện tích bề mặt nhỏ, dưới 4m2 như bể, phuy, chum, vại v.v..mà thay bằng dùng vòi nước hoặc xây bể to, diện tích bề mặt trên 4m2 góp phần làm giảm số lượng ổ bọ gậy muỗi Ae.aegypti.
Tôi rất mong đề xuất “Cần thay đổi tập quán trữ nước của con người” này được tiếp nhận và đưa vào thực tiễn phòng chống muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Tiến sĩ VŨ ĐỨC HƯƠNG
(Nguyên cán bộ Viện Sốt rét -KST- CT TƯ)