Đẻ non vì viêm nhiễm phụ khoa

sfdf

Ngoài việc khám thai, phụ nữ mang thai cũng nên đi khám phụ khoa. Ảnh: Corbis.com.

Hai vợ chồng chị Thư vốn hiếm con, lấy nhau được hơn chục năm mà đến năm 40 tuổi chị mới có bầu. Vì đã có tuổi, lại lần đầu mang thai nên chị hết sức giữ gìn, đi khám thai liên tục. Chị cũng không thấy có gì bất thường ngoài việc thỉnh thoảng chị thấy có nước chảy ra từ âm đạo và thi thoảng có ra khí hư.

Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Thái Hà (Hà Nội), Thư bị vỡ ối sớm là do viêm nhiễm phần phụ. Vì không được điều trị sớm nên vi khuẩn cứ dần làm mòn màng ối, dẫn đến rò ối rồi vỡ ối. Hiện tượng nước chảy ra từ âm đạo ở đây không phải là tình trạng són tiểu hay gặp ở thai phụ mà là do ối bị rò.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc bị rò ối, trong đó phần lớn là do viêm nhiễm phụ khoa ở thai phụ. Khi mang thai, cổ tử cung được “nút” lại, không cho vi trùng xâm nhập ngược lên làm hỏng màng ối. Màng ối có nhiệm vụ che chở không cho vi khuẩn (từ âm hộ, âm đạo… của thai phụ) xâm nhập vào buồng tử cung. Thông thường, nó chỉ vỡ khi bắt đầu vào chuyển dạ thật sự.

Tuy nhiên, nếu phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục trước hoặc trong thời kỳ mang thai sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập, gây viêm màng ối. Nếu không được điều trị, màng ối sẽ càng mỏng hơn, có thể bị vỡ trong bất cứ giai đoạn nào của thời kỳ thai nghén.

“Màng ối bị vỡ sẽ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng ối, nguy hiểm cả cho mẹ và thai nhi. Đặc biệt là vỡ ối non, rất nguy hiểm vì thai thi còn non tháng nên khó cứu sống, nuôi dưỡng bé”, bác sĩ Dung nói.

Giống như Thư, nhiều chị em thấy ra khí hư trong khi mang thai nhưng không nghĩ mình bị viêm nhiễm phụ khoa nên không chữa trị kịp thời. Có trường hợp biết, nhưng không chịu dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi như trường hợp của Hương (26 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội), đã dẫn đến bị sảy thai.

Mang thai được 18 tuần thì chị Hương thấy vùng âm đạo ra khí hư màu trắng. Đi khám, bác sĩ cho biết chị bị viêm nhiễm phụ khoa và phải đặt thuốc. Nhưng sợ ảnh hưởng đến thai nhi, chị đã không đặt mà chỉ vệ sinh sạch sẽ vùng kín và cũng thấy đỡ.

Đến tháng 4, sau một lần quan hệ với chồng, chị lại bị viêm nhiễm do nấm. Nghĩ cũng giống lần trước, không cần dùng thuốc cũng tự khỏi, chị không bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thế nhưng khí hư ra ngày càng nhiều, kéo theo đó là tình trạng chị phải đi tiểu liên tục. Rồi một lần, thấy nước cứ ộc ra từ âm đạo, chị mới vội vàng đi khám và chị đã bị vỡ ối, không thể giữ được thai.

Bác sĩ Dung cũng cho biết, ngay cả bác sĩ cũng hay nhầm việc rò ối với tình trạng són tiểu hay ra khí hư. Hơn nữa, việc vỡ ối không gây đau, không xảy ra đột ngột mà là cả quá trình, lúc đầu màng ối bị rò sau mới vỡ, vì thế nếu không để ý sẽ không nhận ra được.

Ngoài nguyên nhân do viêm nhiễm phần phụ, thì hở eo cổ tử cung, bánh rau bám ở vị trí không tốt cũng có thể dẫn đến vỡ ối sớm. Ngoài ra, trước thời kỳ mang thai nếu hút thai, phá thai nhiều dẫn đến viêm nhiễm phần phụ…cũng có thể làm hở cổ tử cung, dễ gây vỡ màng ối.

Bác sĩ Dung khuyến cáo, việc khám phụ khoa là rất quan trọng trước khi mang thai và cả thời kỳ thai nghén vì nếu có viêm nhiễm sẽ được kịp thời chữa trị, giảm nguy cơ vỡ màng ối khi mang thai. Dù trước khi mang thai không bị viêm nhiễm, thì mỗi lần khám thai, chị em cũng cần phải khám phụ khoa, đặc biệt là khi có hiện tượng ra khí hư nhiều. Khi có nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho sản phụ đóng “bỉm” và theo dõi liên lục, thậm chí sẽ phải lấy dịch rỉ ra xem có tóc lông của trẻ không để khẳng định tình trạng rỉ ối.

Khi đó, nếu nước ối bị rò ít hoặc tình trạng nhiễm trùng nhẹ, bác sĩ có thể can thiệp giúp chị em giữ lại thai nhi. Còn khi nước ối rò quá nhiều, bị cạn hẳn thì nguy cơ bị sảy thai, đẻ non rất cao.

Nam Phương 

Rate this post