Theo Đông y, bạc thau có vị đắng, cay, hơi chua, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, thư cân hoạt lạc, khu phong trừ thấp, điều kinh, chỉ huyết (cầm máu), nhuận phế, tiêu đờm, chỉ khái (làm hết ho). Trong dân gian, bà con thường làm thuốc chữa bí tiểu tiện, đái ít, rát buốt, nước tiểu đục, kinh nguyệt không đều, rong kinh, mụn nhọt lở ngứa, sốt rét, viêm khí quản cấp và mạn, ho.
Bạc thau còn có tên gọi khác như bạc sau, bạch hoa đằng, chấp miên, thảo bạc, người Tày gọi là pác túi. Là loại dây leo bò hoặc cuốn. Thân có lông tơ màu trắng bạc, sau nhẵn, vỏ thân màu nâu. Lá nguyên, mọc so le, phiến lá hình bầu dục hay trái xoan, mặt trên nhẵn màu xanh thẫm, mặt dưới có lông dày màu ánh bạc. Cụm hoa hình tán mọc ở kẽ lá, đài hoa hình chén có lông màu ánh bạc. Quả hình cầu, khi chín có màu đỏ, trong chứa 2-4 hạt màu nâu. Cây mọc các tỉnh phía Bắc, từ đèo Hải Vân trở ra. Mọc ở các bờ bụi, nhất là trên triền đồi núi đá vôi.
Dây bạc thau có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu.
Một số bài thuốc chữa bệnh:
Bài 1: Chữa ho trẻ em: Lá bạc thau 6g, lá chua me 6g, lá xương sông 6g. Tất cả rửa sạch, để ráo nước, giã nát, vắt lấy nước cho trẻ uống (có thể thêm ít đường phèn cho dễ uống).
Bài 2: Chữa kinh nguyệt không đều: Lá bạc thau 10g, rễ xích đồng nam 10g, vỏ thân mía tía 10g, rễ cỏ tranh 10g, rễ móc diều, cỏ hàn the, lá huyết dụ, mỗi vị 8g. Phơi khô, cho vào ấm, đổ ngập nước, sắc nhỏ lửa, còn 300ml chia 3 lần uống trong ngày, uống trước chu kỳ kinh 15 ngày. Hoặc bạc thau 20g, rau dền gai 15g cho vào ấm, đổ 700ml nước, sắc nhỏ lửa, còn 300ml chia 3 lần uống trong ngày, uống trước chu kỳ kinh 15 ngày.
Bài 3: Chữa mẩn ngứa, rôm sảy: Lấy lá bạc thau nấu với nước để tắm, rửa rất hiệu nghiệm.
Bài 4: Chữa rong kinh, rong huyết: Có thể lấy lá bạc thau 20g, ngải cứu 20g, lá bạch đầu ông 20g. Rửa sạch, để ráo nước, giã nát, thêm chút nước vắt lấy nước để uống. Dùng liền 5 ngày. Theo Nam dược thần hiệu, lấy lá bạc thau 40g, rửa sạch, giã nát, thêm ít nước sôi để nguội, vắt lấy nước để uống. Bã đắp lên đỉnh đầu.
Bài 4: Giúp vết thương mau lành miệng: Lá bạc thau khô giã nhỏ mịn, rắc vào vết thương có tác dụng ngừng chảy nước vàng.
Bài 5: Chữa sưng tấy, ứ huyết do ngã, va đập: Lá bạc thau tươi 30g, lá xuyên tiêu 30g, lá dây đòn gánh 30g. Tất cả giã nát, cho vào chảo đảo nóng với ít rượu, đắp lên chỗ sưng đau. Ngày làm 1 lần. Hoặc lá bạc thau 10g, lá quýt rừng 10g. Sắc uống.
Bài 6: Chữa bạch đới do tỳ hư, can uất: Lá bạc thau, lá bấn (bạch đồng nữ), mỗi vị 30g tươi, giã vắt lấy nước cốt uống; hoặc dùng mỗi thứ 12g khô, sắc nước uống, chia ngày 3 lần, 10 ngày một liệu trình.
Bác sĩ Trần Thị Hải