Dầu cá có nhiều trong cá biển như: cá trích, cá thu, cá hồi. Dầu cá là nguồn cung cấp Omega-3 (EPA và DHA) và vitamin A, vitamin D. Một viên dầu cá có chứa khoảng 1.000mg dầu, nhưng lượng Omega-3 thì có sự khác biệt giữa các loại dầu cá, có khoảng từ 100 – 700mg chất Omega-3 (EPA+DHA). Omega-3 là một loại axít béo không no, nó là tiền chất của DHA (docosa hexaenoic acid) và EPA (eicosa pentaenoic acid).
Những axít béo không no cần thiết này cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm. Nhu cầu của Omega-3 trong ngày đối với trẻ dưới 6 tháng DHA cần 0,1- 0,18% năng lượng/ngày, trẻ từ 6 – 24 tháng DHA cần 10 – 12mg/kg cân nặng/ngày, trẻ từ 2 – 4 tuổi cần 100 – 150mg (DHA + EPA), trẻ từ 4 – 6 tuổi cần 150 – 200mg (DHA + EPA), trẻ từ 6 – 10 tuổi cần 200 – 250mg (DHA + EPA).
Lipid là nhóm giàu năng lượng so với các nhóm thực phẩm khác. 1g chất béo cho 9kcal trong khi 1g chất đạm hoặc 1g chất bột đường chỉ cho 4kcal. Chất béo là dung môi hòa tan các vitamin: vitamin A, D, E, K… Vì vậy, trong bữa ăn hàng ngày của trẻ không thể thiếu dầu hoặc mỡ.
Theo khuyến nghị nhu cầu về lipid cho người Việt Nam hàng ngày như sau: tỉ lệ năng lượng do lipid/năng lượng tổng số với trẻ đang bú mẹ dưới 6 tháng tuổi chiếm 40 – 60%; trẻ từ 6 – 2 tuổi chiếm 30 – 40%; từ 3 – 5 tuổi chiếm 25 – 35%, từ 6 – 19 tuổi chiếm 20 – 30%, từ 20 – 70 tuổi chiếm 20 – 25%. Trong khẩu phần ăn của trẻ, trẻ cần ăn cả chất béo động vật và thực vật theo tỉ lệ 1:1.
Phụ nữ có thai không dùng quá 5.000 IU vitamin A/ngày và 400 IU vitamin D/ngày
Cấu tạo của não người có tới 60% là axít béo, trong đó DHA chiếm một số lượng khá lớn. Omega-3 cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, cho sự phát triển hoàn hảo hệ thần kinh. Người trưởng thành, DHA có tác dụng giảm cholesterol toàn phần, giảm triglyceride máu, giảm LDL-cholesterol (cholesterol xấu) giúp dự phòng xơ vữa động mạch, bệnh nhồi máu cơ tim. Omega-3 có tác dụng giảm rối loạn nhịp tim nên những người bị nhồi máu cơ tim khi bổ sung dầu cá sẽ làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tái phát. Ăn cá 1 – 2 lần mỗi tuần cũng làm giảm nguy cơ bị đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não). Nếu thiếu DHA trong quá trình phát triển thì trẻ sẽ có chỉ số thông minh IQ thấp. Trẻ được bú sữa mẹ và chế độ ăn đủ DHA có chỉ số IQ cao hơn 8,3 điểm và tỉ lệ chậm phát triển hệ thần kinh giảm.
Vitamin A là một trong những vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em. Vitamin A có rất nhiều chức phận quan trọng trong cơ thể, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Khi thiếu, trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng đưa đến khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa. Nhu cầu vitamin A ở trẻ em khoảng 400 – 600 mcg/ngày, trẻ vị thành niên 800 – 900 mcg/ngày, phụ nữ mang thai 65 – 700 mcg/ngày, phụ nữ nuôi con bú 1.100 mcg/ngày.
Trẻ cần ăn cả chất béo động vật và thực vật theo tỉ lệ 1:1
Thiếu vitamin D gây lên bệnh còi xương ở trẻ, loãng xương ở người già. Nhu cầu vitamin D hàng ngày với trẻ từ 0 – 11 tháng là 10mcg, trẻ 1 tuổi đến người lớn 49 tuổi là 15mcg, người cao tuổi từ 50 – 70 là 30mcg.
Hằng ngày, trẻ từ 2 tuổi trở lên nên uống lượng dầu gan cá hoặc vitamin A-D tương ứng với 2.500 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và 400 IU vitamin D. Người lớn, đặc biệt phụ nữ có thai không dùng quá 5.000 IU vitamin A/ngày và 400 IU vitamin D/ngày. Để không quá liều, nên uống theo từng đợt cách quãng, nghĩa là sau khi uống 3 tuần phải ngưng 1 – 2 tuần nếu muốn tiếp tục. Việc sử dụng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Tốt nhất, chúng ta bổ sung Omega-3, vitamin A, vitamin D bằng các thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.
ThS.BS. NGUYỄN VĂN TIẾN
(Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng)