(Nguyễn Văn Dương – Tây Ninh)
Đái tháo nhạt là một căn bệnh mãn tính xảy ra do sự suy giảm hoóc-môn ADH trong quá trình chuyển hóa nước ở cơ thể; dựa vào nguyên nhân gây bệnh, đái tháo nhạt được chia thành hai thể khác nhau: đái tháo nhạt thể thần kinh (đái tháo nhạt trung ương) và đái tháo nhạt thể ngoại biên.
Nguyên nhân chính gây bệnh đái tháo nhạt là do vùng dưới đồi của tuyến yên xuất hiện các khối u, các khối u này tác động trực tiếp lên hoóc-môn ADH gây ảnh hưởng đến quá trình bài tiết của cơ thể. Có thể gặp sau chấn thương đầu hoặc viêm màng não cũng có thể dẫn đến bệnh đái tháo nhạt thể thần kinh. Bệnh đái tháo nhạt mô thận có thể do di truyền hoặc gây ra bởi các loại thuốc như lithium.
Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh đái tháo nhạt là người bệnh thường xuyên đi tiểu, nước tiểu loãng và nhạt. Tùy thuộc vào mức độ mà lượng nước tiểu có thể từ khoảng 2,5 lít mỗi ngày nếu có đái tháo nhạt nhẹ, nếu nặng người bệnh có thể tiểu đến khoảng 15 lít mỗi ngày, trường hợp này thường kèm theo bệnh nhân dùng rất nhiều dịch. Ngoài ra, người bệnh còn hay đi tiểu vào ban đêm, thường xuyên khát nước, đặc biệt là muốn uống nước lạnh. Nếu không được điều trị, đái tháo nhạt có thể làm tăng lượng natri trong máu, dẫn đến lú lẫn, co giật.
Điều trị bệnh đái tháo nhạt phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nếu nguyên nhân gây bệnh là do sức ép của khối u lên tuyến yên, thì điều trị phẫu thuật cần loại bỏ khối u. Ngoài ra, nếu nguyên nhân là do ảnh hưởng tạm thời của các ca phẫu thuật não hoặc các bệnh khác, người bệnh có thể được chỉ định các loại thuốc chuyên biệt, mà không cần đến phẫu thuật. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần kiểm soát tốt tình trạng của bệnh như uống nước vừa đủ khi khát; uống đầy đủ thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ; thông báo ngay cho bác sĩ khi tình trạng không hết cảm giác khát nước.
BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG