Hiểu rõ về bệnh cường giao cảm
Cường giao cảm là một chứng bệnh thường gặp nhưng ít ai có hiểu biết rõ ràng về nó. Tại khoa cấp cứu của các bệnh viện, cường giao cảm chiếm tỷ lệ nhất định trong các ca bệnh với chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn thần kinh tim.
Mặc dù là lành tính, cường giao cảm kéo dài nếu không được quan tâm và điều trị đúng mức, kịp thời sẽ để lại những hệ lụy về tinh thần sức khỏe, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng cường giao cảm
Người mặc chứng bệnh cường giao cảm thường rơi vào tình trạng hồi hộp, lo lắng quá mức đứng trước một sự việc bất ngờ hay một sự việc đã được báo trước, khi đứng trước đám đông, khi thay đổi cảm xúc (vui, buồn, hờn, giận dữ, sợ hãi..).
Người bệnh cảm thấy tim đập nhanh, trống ngực, khó thở, vã mồ hôi, chân tay run lẩy bẩy, đôi khi bệnh nhân đau tim do co thắt mạch vành. Các triệu chứng kèm theo: mất ngủ, rụng tóc, da khô, hư móng, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tình dục.
Cơn xuất hiện và kết thúc không theo quy luật và không liên quan gắng sức. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bật dạy trong đêm thở hổn hển, hoảng hốt, sợ hãi; họ còn cho rằng đất xấu, nhà có ma,….
Cường giao cảm nguy hiểm mức nào?
Tình trạng tim đập nhanh kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như suy tim, tăng huyết áp. Co thắt mạch vành làm bệnh nhân đau ngực (như nhồi máu cơ tim cấp).
Những người cường giao khi gặp stress quá mức, sốc tâm lý cũng có nguy cơ mắc “Hội chứng trái tim tan vỡ-bệnh cơ tim Takotsubo” cao hơn người bình thường. Mất ngủ kéo dài làm gia tăng biến cố tim mạch, tiểu đường, giảm hiệu suất lao động, trầm cảm và lo âu.
Nhiều người cảm thấy triệu chứng xảy ra bất thường quá giống như giả đò nên có thái độ trầm cảm và nghĩ rằng mình bị rối loạn tâm thần nên đến chuyên khoa tâm thần. Hơn nữa, việc lo lắng hồi hộp quá sức làm người bệnh ngại tiếp xúc đám đông, ảnh hướng nghiêm trọng đến kết quả học tập và làm việc, từ đó dẫn đến căng thẳng, stress, trầm uất, là tiền thân cho nhiều bệnh lý khác ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Điều trị chứng cường giao cảm
Triệu chứng biểu hiện của bệnh chỉ gây ra khó chịu cho người bệnh và kéo dài làm thay đổi tâm lý. Do tính chất không nguy hiểm nên người bệnh thường không được quan tâm đúng mức, bị từ chối điều trị và càng làm cho bệnh nhân lo lắng. Vì vậy để điều trị chứng cường giao cảm phải phối hợp tốt giữa bệnh nhân và y bác sĩ.
Về phía y bác sĩ phải thông cảm và sẻ chia với người bệnh, làm cho người bệnh hiểu đây chỉ là một căn bệnh lành tính có thể điều trị khỏi hoàn toàn, quan tâm chữa trị như những bệnh nhân khác, để bệnh nhân an tâm, thoải mái, giải tỏa lo lắng giúp bệnh tình thuyên giảm nhanh hơn.
Về phía bệnh nhân, cần lưu ý những điều sau:
– Bệnh có thể tự mất đi mà không cần điều trị gì
– Tránh xúc động hay căng thẳng quá mức. Không nên xem phim hành động hay đọc tiểu thuyết lâm li bi đát.
– Không thức khuya
– Không sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, hút thuốc lá,.. Không ăn uống thái quá, ăn nhiều rau quả tươi
– Tập thể dục thể thao thường xuyên mỗi ngày, đi bộ là môn thể thao đơn giản và hữu hiệu với sức khỏe.
– Bổ sung vitamin nhóm B và C
– Giữ tinh thần thoải mái lạc quan, rèn luyện sự kiên nhẫn và bình tĩnh trong mọi tình huống
– Khi bạn xúc động quá mạnh, quá khó chịu, tâm đập dồn dập, mất ngủ; bạn nên đến bác sĩ để thăm khám và sử dụng thuốc phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc không theo y lệnh của bác sĩ.
Hy vọng khi đọc xong bài viết này, mọi người có cái nhìn đồng cảm hơn với bệnh nhân cường giao cảm và giúp đỡ họ thoát khỏi chứng bệnh này nhé.
BS. Nguyễn Hồng Quân