Con vâng lời răm rắp, lợi bất cập hại

Trở về thời thơ ấu của các ông bố bà mẹ, con cái vâng lời cha mẹ là một trong các biểu hiện ngoan ngoãn mà trẻ con phải thực hiện. Tuy nhiên, vâng lời có tốt không và làm cách nào để con cái vâng lời là hai câu hỏi băn khoăn của các vị phụ huynh.

Con vâng lời có tốt không

Thật ra, con vâng lời vừa có cái tốt vừa có cái dở.  Nếu các con bất kể cái gì cũng răm rắp nghe lời bố mẹ, bố mẹ không đưa ra yêu cầu thì người con không dám làm gì cả, điều này có vẻ không ổn. Như vậy, con sẽ rất thụ động mà không thể tự mình quyết định việc gì khi thiếu cha mẹ.

Tôi đã từng gặp vài cậu bạn như thế. Họ ăn to nói lớn, chém gió ào ào, tuy nhiên, khi có ai đó đề nghị bạn ấy quyết định việc gì hay làm một việc gì thì lập tức câu hỏi/đề nghị sẽ được truyền đạt thẳng vào tai bố mẹ. Sau đó, mọi việc sẽ do bố mẹ bạn ấy làm hoặc quyết định.

Có nhiều bạn gái không may lấy phải một đức ông chồng như vậy. Các bạn gái đó tâm sự, nhiều khi có việc gì đó em muốn chia sẻ riêng với chồng thì ngay ngày hôm sau đã thấy mẹ chồng biết và nói ra vanh vách. Các đức ông chồng đó dần dần mất đi sự tin tưởng và tôn trọng của vợ. Cuộc sống vợ chồng dần trở nên lục đục và nhiều chuyện khó chịu.

 

 

Đối với trẻ em, khi chúng bị ép nghe lời răm rắp sẽ vô cùng khó chịu. Thông thường, các cha mẹ sẽ bực bội vô cùng vì quen ép con nghe lời nhưng đến khi con lớn rồi, con không nghe theo nữa. Hệ quả của việc đó là con sẽ tìm cách nói dối cha mẹ, lảng tránh nói chuyện và từ chối làm bạn cùng cha mẹ. Đến khi đó, muốn biết các chuyện đang xảy ra với con sẽ không hề đơn giản. Nhiều bố mẹ lại phải đọc trộm nhật kí hoặc xâm phạm vào các chi tiết đời tư khác của con.

Vì thế, thật ra, đào tạo những đứa con nghe lời răm rắp quả là không phải hoàn toàn tốt đẹp. Có lẽ, các cha mẹ cũng cần phải lựa chọn, nên dạy con thế nào, có cần con nghe lời răm rắp hay không?

Giải pháp để bé vâng lời

Theo tôi, có vài điều chúng ta cần làm rõ ràng:

1. Các con cần nghe lời của cha mẹ và người lớn trong các nguyên tắc của cuộc sống. Đó là luật pháp, là các quy định. Nếu làm sai các quy định, nếu làm sai luật pháp, đương nhiên các con phải chịu phạt.

2. Trong các vấn đề cần có sự quyết định, các cha mẹ cần cho con làm quen với các quyết định và trả giá nếu như quyết định chưa hợp lý. Dần dà, con sẽ quen với việc đưa ra các quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.

3. Trong gia đình rất nên có các quy định rõ ràng. Với các quy định đó, cả nhà phải tuân thủ, không có trường hợp ngoại lệ. Đến lúc đó, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Bố mẹ lưu ý là nếu bố mẹ làm sai quy định cũng cần bị phạt để làm gương cho con cái.

4. Khi con còn nhỏ, để con có thể nghe và làm theo mọi việc một cách hợp lý, các cha mẹ nên đưa ra nhiều phương án và cho con chọn lựa. Khi đưa ra phương án cũng nên nói trước các hậu quả của phương án để con có thêm thông tin để chọn.

5. Khi gia đình có điều gì cần bàn bạc, cha mẹ rất nên cho con cùng tham gia. Nếu trong trường hợp con đưa ra ý kiến hợp lý, cha mẹ rất nên nghe theo con. Khi đó, con sẽ thấy được tôn trọng và sẽ chững chạc hơn nhiều.

6. Khi các cha mẹ muốn con lắng nghe và làm theo lời khuyên của mình, hãy nghĩ cách lựa lời. Một ví dụ nhỏ dưới đây giúp các cha mẹ hình dung và có thể hiểu được nên chọn câu nào khi khuyên nhủ con:
a. Con đừng yêu cái thằng đó.
b. Mẹ nghĩ rằng bạn đó cũng rất tốt. Mẹ chúc mừng con vì đã có một người bạn trai. Mẹ chỉ hơi lăn tăn một chút ở chỗ….

7. Ngoài ra, khi muốn khuyên nhủ con, hãy sử dụng mọi kiến thức khoa học để thuyết phục chứ đừng ép con nghe theo kiểu: Bố là bố của con. Con là con người, con sẽ phản ứng nếu bị ép buộc.

Nói tóm lại, để khuyên nhủ hoặc yêu cầu ai đó làm việc gì, chúng ta phải dựa trên cơ sở các quy định. Ngoài ra, cuộc sống của ai cũng cần tự chủ. Các cha mẹ cần tôn trọng và tạo điều kiện cho con tự quyết hơn là ép con phải nghe lời mình răm rắp. 

TS. Vũ Thu Hương

Rate this post