Y học cổ truyền là một hệ thống chăm sóc sức khỏe con người theo triết lý văn hóa phương Đông. Nền tảng lý luận không ngoài lý luận phương đông (kinh dịch, âm dương, ngũ hành…).Điểm đặc sắc của y học cổ truyền bên cạnh các phương pháp điều trị không dùng thuốc là kho tàng dược liệu và hệ thống dược lý phong phú, đặc trưng của nền y dược học phương Đông là thuốc thang hay thuốc sắc (các vị thuốc được phối hợp thành thang cho vào nước, sắc thành một dung dịch để uống chữa bệnh).
Điều trị y học cổ truyền không ngoài cân bằng âm dương khí huyết, khi mất cân bằng thì biểu hiện bệnh muôn hình vạn trạng thịnh suy, xa gần, trong ngoài khác nhau. Tùy theo tiến triển của bệnh mà thầy thuốc gia giảm theo cổ phương hoặc đối chứng lập phương khiến việc điều trị trở thành nghệ thuật tinh tế và đặc sắc Á Đông. Việc kê đơn cũng cần tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản và quá trình chuẩn mực đi theo thứ tự lý luận, lập pháp, xử phương và dụng dược. Dựa theo số lượng thuốc muốn dùng trong bài thuốc có thể chia ra 7 loại phương thuốc: đại phương, tiểu phương, hoãn phương, cấp phương, cơ phương, ngẫu phương và phức phương; điều thú vị của xử phương là số dược liệu trong thang thuốc thể hiện tinh hoa triết học phương Đông trong điều trị của người xưa. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, mà là sự sắp xếp theo kinh nghiệm điều trị qua các thế hệ và hiệu chỉnh theo triết lý phương đông là cơ và ngẫu.
Theo kinh dịch cơ là lẽ, biểu hiện của dương; ngẫu là chẵn, biểu hiện của âm. Có thể hiểu số lượng dược dùng trong thang thuốc có chẵn lẻ khác nhau tập trung chủ yếu vào số lượng vị thuốc làm quân và thần. Hoàng đế nội kinh – Tố vấn – Chí chân yếu đại luận ghi nhận: “Về đại yếu, quân một thần ba, là phép của cơ phương; quân hai thần bốn, là phép của ngẫu phương; quân hai thần ba, là phép của cơ phương; quân hai thần sáu, là phép của ngẫu phương”. Như vậy, tổng số lượng vị thuốc của quân và thần nếu là lẽ thì phương thang thuộc nhóm cơ phương, nếu là chẵn thuộc nhóm ngẫu phương. Việc xác lập cơ ngẫu làm nền tảng phân nhóm điều trị.
Điều trị y học cổ truyền không ngoài cân bằng âm dương khí huyết, khi mất cân bằng thì biểu hiện bệnh muôn hình vạn trạng
“Trị bệnh gần thời dùng cơ phương, trị bệnh xa thời dùng ngẫu phương. Muốn hãn, không nên dùng cơ. Muốn hạ, không nên dùng ngẫu”. Trong bát cương, âm dương có thể phân tương đối như sau: phần nổi trội, nhanh, cấp, phần trên thuộc dương; phần chậm, hoãn, phần dưới thuộc âm. Bệnh gần là lúc tà khí – chính khí còn tranh đấu, dùng cơ phương trợ chính khí, nhanh chóng giải quyết bệnh sẽ khỏi. Bệnh xa lúc này đã có tổn hại nhất định trong cơ thể, dùng ngẫu phương hỗ trợ chính khí. Phát hãn dùng tính dược của thuốc giải tà khí ra ngoài bằng mồ hôi, nếu tính gấp sẽ khó kiểm soát và dễ hao tổn tân dịch, do đó không nên dùng cấp phương hay cơ phương là vì vậy. Khi dùng thuốc tân ôn giải biểu, cần phát hãn thì không dùng cơ phương như bài Ma hoàng thang (quân ma hoàng, thần quế chi, tức là dùng ngẫu phương), Quế chi thang (quân quế chi, thần bạch thược là dùng ngẫu phương) phù hợp với quy luật trên. Ngược lại, tả hạ là phương pháp công tà, trị phải nhanh nếu dùng lâu cơ thể dễ suy kiệt, do đó không nên dùng hoãn phương hay ngẫu phương. Như khi dùng thuốc tả hạ bài Đại hoàng phụ tử thang (quân phụ tử, đại hoàng, thần tế tân là cơ phương), Hoàng long thang (quân đại hoàng, thần mang tiêu, đương quy là cơ phương) phù hợp với quy luật tả hạ không dùng ngẫu.
Ngoài ra, khi bệnh cấp dùng cơ phương, nếu không khỏi thì kết hợp ngẫu phương vừa công vừa bổ, tức cơ ngẫu đều dùng, còn gọi là phức phương. “Cơ chi bất khứ tắc ngẫu chi. Thị vị trùng phương” (Chí chân yếu đại luận). Như vậy, tùy tình hình bệnh biến chuyển, người thầy thuốc sẽ thay đổi linh hoạt tùy chứng mà có phương thang phù hợp, không cứng nhắc một phương pháp,nhận định hoãn cấp đúng lúc, nặng nhẹ khác nhau chính yếu vừa đúng đến bệnh là tốt.
Việc nghiên cứu vị thuốc, phương thang theo y học cổ truyền không chỉ là quá trình tìm hiểu tác dụng đơn lẻ từng vị thuốc hay một đặc tính hữu hiệu hiện đại; mà còn là quá trình tìm hiểu về văn hóa phương Đông và nghệ thuật sắp đặt – dụng ý của các bậc danh y đã lưu truyền phương thuốc đó.
TS.BS. VÕ TRỌNG TUÂN, HẠ CHÍ LỘC