Đỗ Hải Hà (haiha [email protected])
Bệnh amíp là một bệnh đa dạng. Phần lớn người nhiễm amíp có ít hoặc không có triệu chứng. Khi có triệu chứng, bệnh biểu hiện ở nhiều thể: Thể cấp tính: đau bụng, mót rặn, tiêu phân nhầy máu. Đau bụng thường ở manh tràng (hố chậu phải, dễ lầm với viêm ruột thừa) dọc theo khung đại tràng (dễ lầm với loét dạ dày) và nhất là hố chậu trái do tổn thương đại tràng sigma; Mót rặn: đau rát hậu môn muốn đại tiện; Tiêu phân nhầy máu, đôi khi xen kẽ với tiêu lỏng, số lượng không nhiều, nhưng đi đại tiện nhiều lần trong ngày, người mệt nhọc. Thể nặng: Toàn trạng suy nhược, mất nước, rối loạn điện giải, có thể truỵ tim mạch, bụng trướng, mót rặn, đi ngoài phân nhầy máu 15 lần/ngày. Thể bán cấp: Ít khi mót rặn, đau bụng ít, tiêu chảy phân lỏng, ít nhầy, đôi khi có táo bón, có thể diễn biến thành thể cấp. Thể mạn tính: sau một giai đoạn cấp tính hay bán cấp, bệnh trở thành mạn tính với nhiều đợt bệnh cách nhau. Triệu chứng lâm sàng như viêm đại tràng mạn: Đau bụng liên tục hay từng cơn, có thể không khu trú hay tập trung ở khung đại tràng, manh tràng. Rối loạn tiêu hóa thường là tiêu chảy, đầy hơi, ăn không tiêu đối với một số thức ăn như sữa, chất bột. Bệnh nhân suy nhược, biếng ăn, sụt cân…Ngoài các biểu hiện tại ruột, amíp còn có thể xâm nhập gan qua tĩnh mạch cửa gây áp-xe gan. Ngoài ra, nhiễm trùng có thể lan đến phổi, màng ngoài tim. Do vậy, khi mắc bệnh cần được điều trị tích cực để tránh lây lan bệnh cho người thân và cộng đồng. Trường hợp của bác cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc theo đơn bác sĩ đã kê.
BS. Trần Quang Nhật