Đạm trúc diệp còn gọi là cỏ lá tre, cỏ cú, áp chích thảo, thủy trúc. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô, bó thành từng bó nhỏ, khi dùng cắt ngắn khoảng 2-3cm. Có thể dùng tươi, phơi hoặc sấy khô. Đạm trúc diệp vị ngọt, tính hơi hàn, quy kinh tâm, tiểu trường và bàng quang. Tác dụng thanh tâm hỏa, trừ phiền, tiêu viêm, giải độc và lợi niệu. Dùng trong các trường hợp sốt cao, miệng khát, bứt rứt, miệng lưỡi nhiệt lở sưng đau, viêm đường tiết niệu… Ngày dùng 6-10g dưới dạng thuốc sắc hoặc dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Cỏ lá tre.
Chữa viêm niệu đạo tiểu tiện sẻn, đái buốt, đái dắt: đạm trúc diệp 20g, thông thảo 10g, thiên hoa phấn 10g, sinh cam thảo 6g, hoàng bá 10g. Sắc uống.
Chữa sốt nóng âm ỉ, mắt mờ, mặt đỏ, nhức đầu: đạm trúc diệp 12g, thanh hao 9g. Sắc uống.
Chữa các chứng nhiệt, sốt, miệng khô, tâm phiền, người hư nhược: đạm trúc diệp 12g, thạch cao 24g, bán hạ 16g, nhân sâm 12g, cam thảo 6g, mạch đông 16g, ngạnh mễ 32g. Sắc uống.
Chữa chứng phiền nhiệt, nước tiểu đỏ, sốt cao, niêm mạc miệng lở loét: hoàng liên 5g, đạm trúc diệp 10g, hoàng bá 10g, hoàng cầm 10g, chi tử 10g, cam thảo 5g.
Chữa chứng phong ôn (đau đầu, sốt sợ lạnh, không ra mồ hôi, mình nóng, đau họng, miệng khát): kim ngân hoa 12g, đạm đậu sị 36g, kinh giới tuệ 12g, ngưu bàng tử 12g, bạc hà 16g, liên kiều 8g, cam thảo 8g, đạm trúc diệp 16g, ngưu bàng tử 12g. Sắc uống.
Chữa chứng thấp nhiệt (sốt, đau mình, ra mồ hôi, bí tức vùng thượng vị, buồn nôn…): ý dĩ 24g, đạm trúc diệp tươi 12g, hoạt thạch 24g, bạch đậu khấu 8g, liên kiều 8g, phục linh 12g, thông thảo 6g. Sắc uống.
Chữa chứng tổn thương tân dịch và khí (sốt có mồ hôi, chân tay rời rã, nước tiểu vàng, mạch hư vô lực ): đảng sâm 8g, thạch hộc 10g, mạch môn đông 10g, hoàng liên 4g, đạm trúc diệp tươi 12g, tri mẫu 12g, tô ngạnh 8g, cam thảo 4g, ngạnh mễ 32g, tây qua 12g. Sắc uống.
Kiêng kỵ: Người không thấp nhiệt và phụ nữ có thai không nên dùng.
DS. Đặng Văn Nam