Chuyện “nhiều” và “ít” trong dịp tết

Ít mặn, nhiều chay

Bữa ăn ngày tết cần ít “món mặn”, ăn nhiều “món chay” như: rau cải, chế phẩm đậu. Dùng món mặn chứa chất đạm hơi nhiều, thường gây ra bốc hỏa, táo bón, cảm giác mỏi mệt, ủ rũ, đường ruột trướng khí (sình bụng), bộc phát các bệnh cao mỡ máu, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… Chất chống oxy hóa của rau lá màu xanh và các vitamin giúp bảo vệ gan; ăn nhiều chế phẩm đậu có chứa lecithin, đại táo, củ mài, câu kỷ… có tác dụng bảo vệ lá gan.

Ít béo, nhiều mát

Ngày tết cần ít ăn chất béo, ăn nhiều thức ăn thanh mát. Thịt nguội, thịt đông, thịt kho tàu… là thức ăn giàu chất béo. Chất béo quá nhiều gây ra rối loạn trao đổi chất, hình thành các bệnh đường tiêu hóa và đường hô hấp. Khuyến cáo có thể chọn một số phương pháp chế biến bằng nấu, luộc, hấp…, tránh chế biến thức ăn bằng chiên, rán. Thức ăn thanh mát gồm: xà lách, củ cải, rong biển, phối hợp với gan heo, gan gà, thịt nạc cắt sợi… chế ra những món thanh đạm, tươi ngon.

Ít mặn, nhiều nhạt

Dịp tết tổng lượng thức ăn đầu vào thường tăng, có người thích món lạp xưởng, thịt lạp, vịt lạp, cá muối, dưa món… hàm lượng muối trong cơ thể sẽ tăng cao. Thức ăn nhiều muối ăn quá nhiều, tăng gánh nặng cho tim, làm huyết áp tăng cao, bộc phát các bệnh tim mạch. Do vậy, các nhà dinh dưỡng khuyến cáo ngày tết chế biến món ăn nên ít muối, vị nhạt hơn.

Ít thịt đỏ, nhiều thịt trắng

Phần đông người ta thích dùng thịt, nhất là thịt đỏ (bò, heo, dê, cừu…) vì có nhiều dinh dưỡng, ăn ngon. Tuy nhiên, ta lại e sợ thịt chứa nhiều chất béo, dễ ràng buộc bởi chứng cao mỡ máu, thậm chí dẫn đến bệnh mạch vành, đái tháo đường, đột quỵ. Giải quyết vấn đề nan giải này là ít dùng thịt đỏ, dùng nhiều thịt trắng. Thịt trắng (gà, vịt, ngỗng) mặc dù đều cùng thuộc chất béo động vật, nhưng thịt gia cầm có kết cấu chất béo khác với thịt bò, heo, cừu, dê, hơn nữa kết cấu chất béo này gần giống với dầu ô liu, nên có tác dụng bảo vệ tim mạch.

Ít lạnh, nhiều nóng

Thời tiết dịp tết vẫn mát lạnh, có người thích dùng đồ nguội, món gỏi. Đồ lạnh gây tổn thương tỳ vị, lại kèm thức uống lạnh, làm cho các hệ thống bên trong cơ thể xuất hiện tình trạng co thắt, máu chảy không đều. Có thể chọn dùng thức ăn ôn bổ dương khí như: hành, hẹ, tỏi, gừng, bù tạt…; người có tỳ vị kém ít dùng thức ăn hàn lạnh như: dưa chuột, củ niễng…

Ít rượu, nhiều trà

Cồn tạo ra kích thích thành dạ dày, làm cho niêm mạc dạ dày sung huyết, lở loét, tổn hại các cơ quan như gan, não. Sau khi uống rượu bia có cảm giác no, không thèm với cơm, nếu như buộc phải dùng bia rượu, trước tiên dùng điểm tâm, bánh, cháo. Nhà dinh dưỡng khuyến cáo uống nhiều nước đun để nguội, uống trà, dùng trà thay cho rượu.

Ít tinh chế, nhiều món tươi

Chả lụa, giò thủ, lạp xưởng, jăm-bông, thịt xông khói… là thức ăn chế biến sẵn, khẩu vị không kém, có lẽ bạn càng yêu thích với những thực phẩm tinh chế này. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, thêm vào chất phụ gia hàn the, nitrat, mục đích có tác dụng chống mốc, làm giòn, giúp thực phẩm luôn tươi ngon, một khi những chất độc hại này đi vào cơ thể, phân giải thành chất nitrosamine có tác dụng gây ung thư cực mạnh, nguy hại đến sức khỏe nghiêm trọng. Cho nên, tránh xa các món tinh chế, dùng nhiều các món tươi tự chế biến có ích cho cơ thể.

Ít ngọt, nhiều đắng

Ngày tết nên giảm ăn ngọt, dùng thêm một số thức ăn vị đắng, chẳng hạn như: khổ qua (mướp đắng), cải bẹ, tim sen, hạnh nhân, trà, cà phê, chocolate đen… Thức ăn vị đắng cân bằng âm dương, theo đó đảm bảo quả tim hoạt động bình thường, mang máu và oxy đến khắp các cơ quan và tổ chức trong cơ thể.

 

Ít ăn, nhiều vận động
Thời gian nghỉ tết, người thành thị thường dùng điện thoại, tin nhắn, email để chúc tết, nằm nhà xem tivi. Ngày thường đi làm bằng xe máy, xe hơi, ít vận động, dịp tết được nghỉ dài ngày không cần đến công sở, càng ít vận động. Không ít người còn tận dụng ngày tết ngủ bù, vận động càng ít. Cho nên, khuyến cáo mỗi người ngày tết ít ăn, vận động nhiều. Ăn uống cần có sự điều tiết, bên cạnh vận động cũng cần có sự điều tiết phù hợp.

LY.DS. BÀNG CẨM

Rate this post