Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chứng đầu nhỏ là tình trạng đầu của trẻ nhỏ hơn đáng kể so với trẻ cùng độ tuổi và cùng giới tính. Kích thước đầu là một trong số các chỉ số quan trọng để theo dõi sự phát triển của trẻ. Trẻ mắc chứng đầu nhỏ thường có kích thước não nhỏ hơn bình thường và có thể não phát triển bất bình thường. Mức độ mắc chứng đầu nhỏ có thể từ nhẹ đến nặng và có thể xuất hiện ngay khi trẻ sinh ra (bẩm sinh) hoặc sau này trong quá trình phát triển.
Chứng đầu nhỏ có thể xảy ra vì trong quá trình phát triển bào thai, não trẻ đã không phát triển đúng mức, hoặc ngừng phát triển sau khi sinh, dẫn đến kích thước đầu trẻ bị nhỏ. Chứng đầu nhỏ có thể mang tính tách biệt, nghĩa là có thể xảy ra mà không có dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nào, hoặc cũng có thể đi kèm với các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng khác.
Chứng đầu nhỏ nghiêm trọng
Là tình trạng đầu trẻ nhỏ hơn nhiều so với mức bình thường. Có thể do não trẻ không phát triển bình thường trong thai kỳ, hoặc bị tổn hại vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ mà không phát triển tiếp nữa. Trẻ mắc chứng đầu nhỏ có thể bị nhiều vấn đề khác, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng đầu nhỏ. Tính đến hiện tại, chứng đầu nhỏ được cho là có liên quan đến những vấn đề sức khỏe sau: co giật; chậm phát triển, ví dụ kém phát triển ngôn ngữ hoặc không đạt được các mốc phát triển bình thường (như ngồi, đứng và đi lại); khuyết tật trí tuệ (suy giảm khả năng học và các kỹ năng sinh hoạt thường ngày); các vấn đề về vận động và giữ thăng bằng; khó khăn về ăn uống, ví dụ khó nuốt thức ăn; suy giảm thính lực; ảnh hưởng thị lực. Các vấn đề này có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ cho đến nghiêm trọng và thường kéo dài cả đời. Do khó có thể tiên lượng khi sinh về các vấn đề mà trẻ có thể mắc do chứng đầu nhỏ, nên trẻ bị chứng đầu nhỏ cần được kiểm tra y tế thường xuyên để theo dõi chặt chẽ về phát triển.
Đo chu vi vòng đầu cho trẻ sơ sinh
Nguyên nhân và các yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc chứng đầu nhỏ
Đây là một dị tật hiếm gặp (chỉ một trường hợp trong vài ngàn ca sinh nở thành công). Một số trẻ bị mắc chứng đầu nhỏ do biến đổi gen (ví dụ hội chứng Down). Các nguyên nhân khác gây chứng đầu nhỏ có thể do xảy ra các vấn đề sau đây trong thai kỳ: thai phụ mắc một số viêm nhiễm trong thời gian thai kỳ như Rubella, nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma (ví dụ ăn thịt chưa được nấu chín kỹ), HIV, hoặc nhiễm virut Cytomegalo (CMV), Zika,…); thai nhi bị thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, tức là thiếu dinh dưỡng hoặc không đủ thức ăn; phơi nhiễm với các chất gây hại như rượu, một số loại thuốc hoặc hóa chất độc hại; gián đoạn cấp máu đến não trẻ trong quá trình phát triển; nguyên nhân đặc biệt được quan tâm gần đây là chứng đầu nhỏ do mẹ nhiễm virut Zika trong thai kỳ. Các nhà khoa học cho biết, đã có đủ bằng chứng để kết luận rằng việc thai phụ nhiễm virut Zika gây ra chứng đầu nhỏ và một số dị tật não cực kỳ nghiêm trọng khác.
Chẩn đoán chứng đầu nhỏ
Chứng đầu nhỏ có thể được chẩn đoán trong thai kỳ hoặc sau sinh.
Trong giai đoạn thai kỳ, chứng đầu nhỏ có thể được chẩn đoán nhờ siêu âm. Để kiểm tra chứng đầu nhỏ, nên siêu âm ở cuối giai đoạn giữa – tầm 28 tuần, hoặc ở giai đoạn cuối của thai kỳ.
Ở giai đoạn sau sinh, bác sĩ sẽ đo chu vi đầu của trẻ sơ sinh và so sánh với biểu đo lường tiêu chuẩn được phân chia theo giới tính và độ tuổi. Chứng đầu nhỏ chỉ xảy ra khi vòng đầu của trẻ nhỏ đáng kể so với số đo tiêu chuẩn theo tuổi và giới tính. Ở Mỹ, thông thường, nếu kết quả cho thấy vòng đầu của trẻ nhỏ hơn 2 đơn vị chênh lệch so với mức chuẩn (31,487cm cho bé trai sơ sinh, và 31,930cm cho bé gái sơ sinh), thì mới được coi là một trường hợp mắc chứng đầu nhỏ.
Lưu ý, nên đo vòng đầu cho trẻ sơ sinh khoảng 24 giờ sau sinh để bảo đảm rằng đầu trẻ đã phục hồi đầy đủ do lực ép lên cơ thể trẻ trong quá trình sinh nở. Kết quả này cũng được xem xét, phân tích dựa trên số tuần mang thai, cũng như cân nặng và chiều dài của trẻ sơ sinh. Theo CDC, nếu nghi ngờ trẻ mắc chứng đầu nhỏ, một số biện pháp kiểm tra chuyên sâu khác như chụp cắt lớp (CT) hay cộng hưởng từ (MRI) có thể được tiến hành để cung cấp thông tin quan trọng về kết cấu não của trẻ, từ đó có thể xác định liệu trẻ có bị viêm nhiễm trong suốt thai kỳ hay không, cũng như để tầm soát một số vấn đề tiềm tàng khác.
Điều trị thế nào?
Chứng đầu nhỏ kéo dài cả đời và tới nay chưa có phương thức chữa trị dứt điểm hay điều trị tiêu chuẩn cho chứng đầu nhỏ. Trẻ mắc chứng đầu nhỏ ở mức độ nhẹ thường không gặp bất kỳ vấn đề nào trừ việc có kích thước đầu nhỏ, tuy vẫn cần được theo dõi kiểm tra thường xuyên. Trẻ mắc chứng đầu nhỏ nghiêm trọng sẽ cần được chăm sóc và điều trị, trọng tâm là các vấn đề y tế khác đi kèm như đã liệt kê ở trên. Việc can thiệp, trị liệu sớm sẽ giúp trẻ mắc chứng đầu nhỏ, giống như trẻ mắc nhiều dị tật khác, cải thiện và phát huy tối đa khả năng thể chất và trí tuệ của trẻ. Trẻ có thể cần trị liệu ngôn ngữ, cơ năng, vật lý trị liệu – vận động và có thể cần được điều trị bằng thuốc để chống co giật và một số triệu chứng khác.
Một số mối quan hệ giữa thai kỳ và Zika như sau:
Virut Zika có thể truyền từ thai phụ sang bào thai.
Việc nhiễm virut Zika trong thai kỳ có thể dẫn đến một số loại dị tật bẩm sinh, trong đó có chứng đầu nhỏ.
Đường lây lan chính của Zika là qua muỗi Aedes. Tuy nhiên, Zika cũng có thể lây lan qua đường tình dục.
Hiện chưa có vắc-xin hay thuốc điều trị Zika.
Thai phụ và gia đình không nên đi du lịch tới những điểm có dịch Zika. Nếu có triệu chứng nhiễm virut Zika, cần tới cơ sở y tế để được tư vấn.
Đàm Mỹ Linh