Chùm ngây-Moringa oleifera Lam.Tên đồng nghĩa: Guilandina moringa Lam., Họ chùm ngây (Moringaceae). Chùm Ngây – Moringa oleifera Lam. là loài được biết đến nhiều nhất trong 13 loài của chi Moringa, phân bố rộng rãi ở châu Phi và châu Á.
Mô tả cây
Cây chùm ngây là cây gỗ nhỏ, cao 5 – 10m. Vỏ cây dày, có khía rãnh. Thân non có lông. Lá kép, mọc so le, 3 lần lông chim, dài 30 – 60cm, 6 – 9 đôi lá chét hình trứng, mọc đối, dài 1,3 – 2 cm, rộng 0,6 – 1,0cm. Cụm hoa mọc thành chùy ở kẽ lá, lá bắc hình chỉ, hoa màu trắng, hơi giống hoa họ Đậu, đài có 5 răng hình thuôn, uốn cong, tràng 5 cánh hình thìa, nhị 5, chỉ nhị có lông ở gốc, bầu thượng, 1 ô, có lông. Mùa hoa: tháng 4 – 6. Mùa quả: tháng 7 – 9. Quả màu nâu, có thiết diện tam giác, mọc thõng xuống, mở làm 3 mảnh, dài 30 – 50cm hay hơn, rộng 1,5 – 2,5cm, chứa khoảng 20 hạt trong lõi. Hạt màu nâu sáng hoặc tối có 3 cạnh và có cánh màu trắng, dạng màng, đường kính 1 – 1,4cm, dài 0,5 – 2,5cm. Có khoảng 3.000 – 9.000 hạt mỗi kilôgam. Vỏ cây màu xám trắng, dày, mềm, nhiều vết nứt và gồ ghề. Khi bị thương vỏ cây sẽ tiết ra chất gôm có màu trắng nhưng sau đó sẽ chuyển thành màu nâu đỏ hoặc nâu đen dưới tác động của môi trường.
Ở Việt Nam, chùm ngây mọc hoang hoặc được trồng rải rác ở các tỉnh phía Nam, từ Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết đến Kiên Giang và cả đảo Phú Quốc. Cây ưa sáng và ưa khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chịu đựng được lượng mưa 750 – 2.200mm, nhiệt độ 3 – 38 (48)0C. Chùm ngây có thể sống và phát triển trên nhiều loại đất, từ đất đỏ bazan ở Tây Nguyên đến sét pha cát hoặc trên đất cát của vùng ven biển. Cây trồng bằng hạt hay cành, sau 2 năm bắt đầu có hoa. Chùm ngây thường rụng lá vào mùa đông hoặc mùa khô (ở miền Nam). Mùa ra lá và chồi non thường trùng với mùa hoa. Do được thuần hóa và trồng trọt lâu đời, cây chùm ngây đã có nhiều biến chủngýkhác nhau. Trong đó, đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt giữa các giống là độ dàiývà màu sắc của quả (60 – 90cm và 90 – 120cm). Chùm ngây trồng ở các tỉnh phía Nam thuộc nhóm quả ngắn (60 – 90cm).
Thành phần hóa học trong từng bộ phận chùm ngây
Lá chùm ngây: chứa các chất gôm và 2 alcaloid là moringi và moringinin. Các hợp chất loại flanonoid và phenolic như kaempferol 3–O––rhamnoside, kaempferol, syringic acid, gallic acid, rutin, quercetin 3–O– –glucoside. Các flavonol glycoside được xác định đều thuộc nhóm kaempferide nối kết với các rhamnoside hay glucoside. Các glucoside có nhóm nitril: niazirin (I) và niazirinin (II).
Hoa chùm ngây: chứa polysaccharid được dùng làm chất phụ gia trong kỹ nghệ dược phẩm.
Hạt chùm ngây: chứa các peptid, tách trên cột cephadex G25 được 14 chất peptid có tác dụng ức chế sự phát triển của nấm. Chiết bằng dung dịch đệm phosphat, sau đó trao đổi ion, tách được protein với chuỗi axít amin gồm arginin, glutamin và prolin. Hạt còn chứa glucosinolate có thể lên đến 9% sau khi hạt đã được khử chất béo. Các axít loại phenol carboxylic như 1––D–glucosyl–2,6–dimethyl benzoate. Dầu béo (20 – 50%): phần chính gồm các axít béo như oleic acid (60 – 70%), palmitic acid (3–ý12%), stearic acid (3–12%) và các axít béo khác như behenic acid, eicosanoic và lignoceric acid…
Vỏ thân chùm ngây: chứa chất benzylanin và -sitosterol, chất gôm chứa arabinose, galactose, acidýglucuronic và vết rhamnose. Từ gôm, chất leucoanthocyanin đã được chiết và xác định là leucodelphinidin–3–0–D–galactopyranosyl (1 – 4) – 0 –D -glucopyranosid.
Rễ chùm ngây: chứa glucosinolate như 4 (-L-rhamnosyloxy)-benzyl glucosinolate (khoảng 1%) sau khi chịu tác dụng của enzym myrosinase sẽ cho 4–(–L–rhamnosyloxy)benzyl isothiocyanate, glucotropaeolin (khoảng 0,05%) và benzyl isothiocyanate.
Toàn thân: chứa chất pterygospermin là chất có tính kháng các vi khuẩn Gram (–), Gram (+) và vi khuẩn ưa axít.
Những công dụng
Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng và là một nguồn cung cấp các chất đạm, vitamin, – carotene, axít amin và nhiều hợp chất phenolic… Phân lập hợp chất pyrrolemarumine 4” – O – – L – rhamnopyranoside và 4 – hydroxyphenylethanamide từ lá chùm ngây. Xác định các hợp chất crypto – chlorogenic acid, isoquercetin, và astragalin từ cao lá chùm ngây bằng phương pháp TLC tỉ trọng. Tính chất DNA liên kết và đặc tính quang phổ FT – IR của cao SC – CO2 từ lá, rễ và hạt chùm ngây.
Chùm ngây có thể giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng của những người nhiễmýHIV/AIDS, đồng thời làm thuốc và cung cấp chất dinh dưỡng cho những bệnh nhân dương tính HIV.
Cao hạt chùm ngây: giảm đau và hạ sốt.
Hợp chất saponin từ chùm ngây có tác dụng bảo vệ gan và mô thận.
Chống loét và chống oxy hóa đối với rượu và aspirinýcủa cao lá chùm ngây.
Lá chùm ngây có các thành phần như flavonoids, hyperosid, rutosid, terpenoid, oleanoic acid, –sitosterol đều cóýhoạt tính chống oxy hóa.
Cao chiết lá chùm ngây cho thấy nó có hoạt tính kháng khuẩn mạnh đối với Candida albicans, và vi khuẩn Gram (+) như Staphylococcus aureus, Enterococcus feacalis đồng thời hoạt tính yếu đối với vi khuẩn Gram (-) như Escherichia coli, Salmonella thyphimurium, Klebsiella pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa.
Tác dụng của hạt chùm ngây trong việc lắng lọc, diệt khuẩn gây bệnh đường ruột trong việc xử lý nước bẩn có thể áp dụng cho các vùng lũ ở Việt Nam.
Giàu dinh dưỡng
Chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng, những chất có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người, giúp giảm nguy cơ từ những chứng bệnh suy thoái và chữa trị các bệnh thông thường. Mặt khác với khả năng giàu nguồn dinh dưỡng, hiện nay lá chùm ngây tươi đang được WHO và FAO xem như giải pháp hiệu quả cho các bà mẹ thiếu sữa, phụ nữ mang thai, trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em cai sữa ở độ tuổi từ 1 – 3. Thật vậy, 1 đứa trẻ dưới 3 tuổi khi tiêu thụ 30g bột lá chùm ngây mỗi ngày có thể cung cấp hơn 1/3protein, 75% canxi và hơn 1/2 lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Đối với các bà mẹ đang mang thai và cho con bú, chi cần dùng 100g lá tươi mỗi ngày là đủ bổ sung calcium, vitamin C, vitaminA, sắt, đồng, magnesium, sulfur, các vitamin B cần thiết trong ngày. Các nhà khoa học so sánh giữa hàm lượng dinh dưỡng ưu việt của lá chùm ngây tươi (100g) và những thực phẩm, trái cây tiêu biểu thường dùng như cam, càrốt, sữa và chuối nếu trên cùng trọng lượng. Cây chùm ngây hiện được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng rộng rãi và đa dạng trong các ngành công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát dinh dưỡng và thực phẩm chức năng. Các quốc gia đang phát triển sử dụng chùm ngây như dược liệu kỳ diệu, kết hợp chữa trị bệnh hiểm nghèo, bệnh thông thường và thực phẩm dinh dưỡng: các bộ phận của cây chùm ngây như quả, lá non, hoa các nhánh non đều có thể dùng làm rau ăn, nhưng phải nấu chín. Lá cây kích thích tiêu hóa, trái nồng, dùng trong nấu càri, dầu từ hạ tý làm dầu ăn. Lá chùm ngây giàu dinh dưỡng chứa nhiều chất khoáng quan trọng như: đạm, vitamin, -carotene, axít amin và nhiều hợp chất khó gặp tại các cây khác như zeatin, nhóm hợp chất flavonoid (quercetin, isoquercetin, rutin, –sistosterol, acidýcaffeoylquinic và kaempferol….) theo “U Eilert, B Wolters, A Nahrstedt, 1981”. Vì vậy, ngày nay nó được ứng dụng rất nhiều trong thực phẩm bằng nhiều cách sử dụng khác nhau hoặc tạo các sản phẩm đa dạng như trà, thức uống dinh dưỡng, lá chùm ngây sấy khô đóng gói…
Y học: các bộ phận của cây như lá, rễ, hạt, vỏ cây, quả và hoa… đều có chứa moringininýcó tác dụng kích thích tiêu hóa, kiết lỵ, phù nề, thấp khớp, kích thích hoạt động của tim và hệ tuần hoàn, hoạt tính chống u – bướu, hạ nhiệt, chống kinh phong, chống sưng viêm, trị ung loét, chống co giật, lợi tiểu, hạ huyết áp, hạ cholesterol, chống oxy – hóa, trị đái tháo đường, bảo vệ gan, kháng sinh và chống nấm.
Mỹ phẩm: chùm ngây được sử dụng rộng rãi trong công nghệ dưỡng da và mỹ phẩm cao cấp.
Xử lý nước: hạt chùm ngây có chứa một số hợp chất “đa điện giải” tự nhiên có thể dùng làm chất kết tủa để làm trong nước, sát khuẩn nước được áp dụng rộng rãi tại các vùng nông thôn, vùng lũ như ở Việt Nam.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ