Bà con thường thu hái rễ củ của cây hắc sâm (huyền sâm), về phơi khô để dùng dần. Theo Y học cổ truyền, huyền sâm có vị ngọt hơi đắng, tính hàn. Quy kinh phế, vị, thận. Huyền sâm được xếp vào loại thuốc thanh nhiệt giáng hỏa, sinh tân, dưỡng huyết, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, nhuyễn kiên tán kết, tức làm mềm các khối rắn, như nhọt độc, u, cục, lao hạch. Ngoài ra còn có tác dụng tiêu khát, tư bổ thận âm.
Cây hắc sâm còn có tên gọi là trọng đài, chính mã, lộc tràng, huyền đài, huyền sâm, nguyên sâm… Là loại cây thân thảo, cao 1,0 – 1,5m thân vuông, màu xanh có rãnh dọc, bốn góc hơi lồi ra, lá hình trứng, mọc đối chữ thập, mép có răng cưa nhỏ và đều, dài 3 – 8 cm, rộng 2 – 6cm, cuống ngắn, ra hoa vào mùa hạ, mọc thành chùm. Hoa hình ống, màu vàng nâu, quả màu xanh, khi chín màu đen, chứa nhiều hạt nhỏ màu đen.
Hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu về dược liệu, kết quả cho thấy dược liệu có công dụng làm giảm sốt, giảm các phản ứng viêm nhiễm, diệt được các vi khuẩn staphylocoque, streptocoque… là những vi khuẩn gây viêm nhiễm thường gặp.
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm:
Bài 1: Chữa ho lâu ngày do nhiễm lạnh: Huyền sâm, cát cánh, đương quy, bạch thược mỗi vị 6g; cam thảo 4g, mạch môn, sinh địa, mỗi vị 8g; bách hợp 10g; thục địa 12g. Tất cả các vị thuốc rửa sạch, cho vào ấm đổ 600ml nước sắc nhỏ lửa còn 300ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Uống thuốc còn ấm, dùng liền 3 tuần.
Bài 2: Trị mụn nhọt, mẩn ngứa do nhiệt: Huyền sâm, liên kiều, sinh địa, kim ngân hoa, mạch môn mỗi vị 12g; đạm trúc diệp 10g; đan sâm 8g; hoàng liên 6g. Tất cả các vị thuốc rửa sạch, cho vào ấm đổ 700ml nước sắc nhỏ lửa còn 250ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Uống thuốc còn ấm, dùng liền 2 tuần lễ.
Bài 3: Trị viêm họng: Huyền sâm, sài đất, thổ phục linh mỗi vị 12g; cam thảo 6g. Tất cả các vị thuốc rửa sạch, cho vào ấm đổ 500ml nước sắc nhỏ lửa còn 200ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Uống thuốc còn ấm, dùng 1 tuần.
Bài 4: Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Huyền sâm 16g; sinh địa, thiên hoa phấn mỗi vị 20g; mạch môn, tri mẫu mỗi vị 12g, thạch cao 20g; hoàng liên 4g. Tất cả các vị thuốc rửa sạch, cho vào ấm đổ 700ml nước sắc nhỏ lửa còn 250ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Uống thuốc còn ấm, 2 tuần một liệu trình.
Bài 5: Trị nhiệt miệng: Huyền sâm, sa sâm, mạch môn, hoàng bá, ngọc trúc mỗi vị 12g; sinh địa, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g; tri mẫu, đan bì mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Tất cả các vị thuốc rửa sạch, cho vào ấm đổ 700ml nước sắc nhỏ lửa còn 250ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Uống thuốc còn ấm, dùng liền 1 tuần.
Lưu ý: Dược có tính lạnh nên không dùng cho những người tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng… Vì vậy, để bài thuốc có hiệu quả trước khi áp dụng cần sự tư vấn của lương y có uy tín.
Bác sĩ Hữu Đức